Dự án trục Hồ Tây - Ba Vì giữa khu tái định cư gây bức xúc: Bộ Xây dựng nói gì?

Theo Bộ Xây dựng, dự án trục Hồ Tây - Ba Vì đi qua giữa khu tái định cư xảy ra tình trạng dự án chồng dự án, ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.

Dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì đoạn từ vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến QL32 đi qua phường Mai Dịch, Phú Diễn, Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân. Bởi lẽ, dự án nghìn tỷ này được cho là sẽ đi qua các khu dân cư đang sinh sống ổn định, khu tái định cư Phú Diễn. Tuyến đường này cũng sẽ cắt qua Học viện Tư Pháp có 3 tòa nhà từ 9 – 11 tầng; Trường Trung cấp In Hà Nội có 2 tòa nhà 5 và 9 tầng; Trường THCS Phú Diễn, Nhà máy sơn Hà Nội...

Thế nhưng, người dân nắm được thông tin về dự án chỉ qua một bản báo cáo đánh giá tác động môi trường khá sơ sài được chủ đầu tư giới thiệu vào cuối tháng 5/2019.

Dự án trục Hồ Tây - Ba Vì giữa khu tái định cư gây bức xúc dư luận.

Liên quan đến dự án này, Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời cử tri. Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 định hướng quy hoạch Trục Hồ Tây - Ba Vì là tuyến đường giao thông (đối ngoại, hướng tâm) gắn kết đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh Hòa Lạc (đô thị cửa ngõ phía Tây Hà Nội).

Cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu đô thị (H2-1, GS), quy hoạch chi tiết khu vực liên quan làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Quá trình triển khai thực hiện theo quy hoạch có vấn đề như cử tri phản ánh: Dự án trục Hồ Tây - Ba Vì đi qua giữa khu tái định cư của quận Bắc Từ Liêm đã giao cho các hộ dân từ năm 2010, trước khi Quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt. Việc triển khai dự án khu vực trên xảy ra tình trạng dự án chồng dự án, ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.

Việc điều chỉnh quy hoạch như kiến nghị của cử tri phải trên cơ sở rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện điều chỉnh quy hoạch và các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị (Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật). Đối với các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết việc xem xét, quyết định thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội làm cơ sở đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung theo quy định.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch; kiểm tra, thanh tra việc lập, tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận của người dân.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất