Alomuabannhadat - Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cá nhân và tổ chức có hành vi hoạt động ngoại hối trái quy định có thể bị phạt tới 600 triệu đồng.
Thông tư 19, hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc ban hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước gây xôn xao dư luận khi có nêu quy định chấp nhận đồng nhân dân tệ (CNY) tiền mặt trong thanh toán qua biên giới.
Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Công ty Luật BASICO: Việc thanh toán tại khu vực biên giới bằng đồng Kíp của Lào & đồng Riel của Campuchia đã diễn ra từ năm 2004 theo các Quyết định số 17 và 845/2004/QĐ-NHNN. Riêng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc thì sớm hơn 10 năm, theo Thông tư số 06/TT-NH8 năm 1994, sau đó là Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN.
“Vì vậy, Thông tư số 19/2018/TT-NHNN vừa qua chỉ là phiên bản thứ 3 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc”, ông Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, Thông tư 19 chỉ áp dụng cho quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới, còn nếu dùng 1 USD hay 1 CNY mua đồ ở trong nước, theo ông Đức “có thể bị xử phạt đến 500 triệu đồng theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP”.
Cụ thể, tại Nghị định 96, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Điều 24 nêu: Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi thanh toán công cụ chuyển nhượng bằng ngoại tệ không đúng quy định về hoạt động ngoại hối; Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ không đúng tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước; thu phí giao dịch không đúng quy định của pháp luật; Chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật; Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;
Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép.
theo CafeLand