Alomuabannhadat - Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài 13km sẽ được đưa vào chạythử toàn hệ thống bắt đầu tư ngày 20/9 tới đây.
Ban Quản lý dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho biết, khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành khoảng 96% (chưa bao gồm hạng mục thiết bị).
Các hạng mục hoàn thiện kiến trúc nhà ga, các đơn thể trong khu depot, hạ tầng khu depot vẫn đang tiếp tục triển khai. Hiện 95% khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường. Tổng thầu đã triển khai lắp đặt khoảng 83%.
Dự kiến, từ ngày 20/9 sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử liên động toàn hệ thống của dự án (toàn bộ 11 hệ thống chuyên ngành thiết bị) theo kế hoạch Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tàu chạy thử trung bình 3-6 tháng trước khi khai thác thương mại.
Dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư là 552,8 triệu USD (tương đương 8.769 tỷ đồng), trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 198,42 triệu USD.
Vào tháng 2/2016, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 513/QĐ – BGTVT phê duyệt điều chỉnh Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, cùng với việc bổ sung, thay đổi một số hạng mục, tổng mức đầu tư công trình này được điều chỉnh từ 552 triệu USD lên 868,04 triệu USD.
Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông dài 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa.
Trong số 13 đoàn tàu của dự án, quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn tàu, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng.
Mỗi đoàn tàu có 4 toa dài khoảng 80 m, sức chứa lên đến 1.000 khách. Tàu sẽ dừng tại mỗi ga để hành khách lên xuống khoảng 30 giây. Tần suất chạy tàu 6-7 phút mỗi chuyến, giờ cao điểm có thể giảm xuống 2-3 phút mỗi chuyến. Tàu có thiết kế vận tốc 80 km/h song vận hành tốc độ trung bình 30 km/h do các ga cách nhau chỉ hơn 1 km.
theo CafeLand