Khi một loạt dự án giao thông kết nối TPHCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long được lên kế hoạch đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đều phải tạm dừng theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 (ngày 21-10-2017, quy định không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu), TPHCM đã tính toán chuyển các dự án này sang hình thức đầu tư công. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn thì các dự án này vẫn phải tiếp tục chờ.
Nhiều dự án tạm dừng triển khai
Hầm chui An Sương - kết nối đường Trường Chinh với quốc lộ 22 có hướng từ trung tâm thành phố đi Tây Ninh. Ảnh: THÀNH HOA
Trong khoảng hai năm qua, nhiều dự án hạ tầng kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương... đều bị ách tắc do thiếu vốn và phải thực hiện Nghị quyết 437.
Ở khu vực phía Đông, nơi kết nối TPHCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, dự án mở rộng quốc lộ 13, nay không làm theo hình thức BOT nữa trong khi TPHCM chưa bố trí được nguồn vốn nên đang ách tắc.
Một dự án khác là cầu Cát Lái kết nối TPHCM với huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai. Dự án này trước đây có nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư theo hình thức BOT, tuy nhiên, khi có Nghị quyết 437, TPHCM đã tạm dừng dự án.
Vào tháng 4-2019, tỉnh Đồng Nai đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Chính phủ giao về cho tỉnh này đứng ra mời gọi các nhà đầu tư tham gia. Theo đó, một phần kinh phí xây cầu Cát Lái sẽ trích từ nguồn vốn ngân sách của Đồng Nai và khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh này, riêng phần đường dẫn trên địa bàn TPHCM thì TPHCM chịu trách nhiệm đầu tư. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án từ 2019-2024, còn thời gian chính thức khởi công đến nay vẫn chưa xác định được.
Ở khu vực phía Tây, tuyến quốc lộ 22 đoạn từ An Sương đi cửa khẩu Mộc Bài dài 58 ki lô mét đã được TPHCM và tỉnh Tây Ninh thống nhất triển khai theo hình thức BOT kết hợp BT hiện cũng tắc do phải tạm dừng theo Nghị quyết 437.
Trong khi dự án mở rộng quốc lộ 22 đang tạm dừng thì đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài đang được TPHCM và Tây Ninh liên kết để xây dựng. Theo đó, lãnh đạo hai địa phương đồng thuận kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn TPHCM từ nguồn vốn ngân sách thành phố và kêu gọi đầu tư phần xây lắp công trình; tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đến nay, Bộ GTVT đã đồng ý phương án này và đang chờ Chính phủ ra quyết định cuối cùng.
Đối với việc kết nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL, các dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn từ An Lạc đến giáp tỉnh Long An và mở rộng quốc lộ 50 cũng phải tạm dừng do không được đầu tư đường BOT trên tuyến đường cũ.
Hai dự án có tác động lớn nhất đến việc kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận là đường vành đai 3 và vành đai 4 đều đang tắc vì chưa có vốn thực hiện. Theo kết quả rà soát của Bộ GTVT hôm 8-8-2019, đường vành đai 3 hiện chỉ có 16,3 ki lô mét đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã hoàn thành và được đưa vào khai thác với sáu làn xe. Các đoạn còn lại gồm Tân Vạn - Nhơn Trạch (34,2 ki lô mét); Bình Chuẩn - quốc lộ 22 (19,1 ki lô mét); quốc lộ 22 - Bến Lức (28,8 ki lô mét) đều chưa bố trí được vốn xây dựng.
Với đường vành đai 4, các dự án thành phần từ đoạn 1 (Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới Trảng Bom, Đồng Nai) đến đoạn 4 (quốc lộ 22, Củ Chi, TPHCM tới cao tốc TPHCM- Trung Lương, Bến Lức, Long An) mới đang ở bước duyệt quy hoạch. Riêng đoạn 5 (Bến Lức - Hiệp Phước) đã được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư từ năm 2009 và đã thông qua báo cáo giữa kỳ, tuy nhiên do chưa có nguồn vốn nên cũng tạm dừng.
Chờ ngân sách
Khi nhiều dự án BOT phải tạm dừng, TPHCM đã đề xuất chuyển hàng loạt dự án giao thông ở các cửa ngõ như dự án mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50... sang hình thức đầu tư công. Tuy nhiên, việc thực hiện không đơn giản vì thiếu vốn.
Để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án giao thông, TPHCM sẽ tính toán tách phần bồi thường giải phóng mặt bằng ra để thực hiện theo hình thức đầu tư công, còn phần xây lắp sẽ do nhà đầu tư thực hiện. Ngoài ra, thành phố sẽ thành lập một quỹ với kinh phí ban đầu khoảng 1.000 tỉ đồng để lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thay vì để nhà đầu tư trực tiếp đề xuất.
Nếu làm theo phương án này, nhà đầu tư chỉ phụ trách phần xây dựng nên chi phí xây dựng dự án sẽ giảm xuống, trường hợp nếu có thu phí thì thời gian cũng không kéo dài hàng chục năm như cách làm BOT thời gian qua.
Trong khi đó, một số tỉnh lân cận TPHCM như Đồng Nai, Long An đang kiến nghị Chính phủ giao một số dự án đi qua địa bàn các địa phương này để họ trực tiếp mời gọi đầu tư. Ông Nguyễn Thành Ngoãn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An, cho biết đối với đường vành đai 3, đoạn đi qua Long An, hồi tháng 5-2019 tỉnh đã đề xuất Bộ GTVT trình Chính phủ xin cơ chế đầu tư theo hình thức BOT, nếu được Chính phủ chấp thuận Long An sẽ triển khai xây dựng.
Trong bối cảnh ngân sách các địa phương chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu xây dựng hạ tầng, việc chuyển các dự án từ BOT sang đầu tư công xem ra khó khả thi vì mức đầu tư các dự án rất lớn.
theo CafeLand