Hà Tĩnh: Cầu 30 tỷ đồng "đắp chiếu" 6 năm vì không thi công đường dẫn

Cầu Sông Con đã hoàn thành được 6 năm với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng để phục vụ nhu cầu đi lại của nhiều xã vùng miền núi của huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) nhưng đến nay vẫn chưa chính thức được thông xe vì chưa có đường dẫn lên hai mố cầu.

Cầu Sông Con ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn được đầu tư 30 tỷ đồng được UBND huyện làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công từ năm 2011 đến năm 2014 thì hoàn thành. Chiếc cầu bắc qua sông Ngàn Phố, là niềm mong mỏi của hàng ngàn hộ dân thuộc các xã Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, Sơn Lâm và xã Quang Diệm suốt hàng chục năm qua nhằm phục vụ cho nhu cầu đi lại, giao thương của người dân khu vực và các vùng phụ cận.

Những tưởng, sau khi cầu hoàn thành thì việc giao thương giữa các xã sẽ thuận lợi hơn. Thế nhưng, niềm vui ấy "ngắn chẳng tày gang".

Cầu xây xong đến nay đã 6 năm đằng đẵng, người dân vẫn ngày đêm mòn mỏi chờ đường dẫn lên hai mố cầu. Từ khi cầu hoàn thành đến nay, người dân 5 xã phía tây huyện Hương Sơn mỗi khi đi qua cầu Sông Con đều ngao ngán khi phải len lỏi theo con đường đất trong khu dân cư xã Quang Diệm. Đoạn đường này hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, hơn 600m đường đất vòng vèo trong thôn, chỉ có xe máy và các xe nhỏ mới đi được, các loại xe ô tô 7 chỗ, xe tải không thể di chuyển qua được vì đường hẹp rất khó lưu thông.

Cầu 30 tỷ xây xong "đắp chiếu" nhiều năm vì không có đường dẫn. Ảnh: Hải Yến

“Khi có cây cầu người dân địa phương vui mừng vì rút ngắn quãng đường từ khu vực miền núi ra thị trấn. Tuy nhiên, cầu đã xây dựng xong nhưng vẫn chưa có đường dẫn lên hai mố cầu khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Dân chỉ mong sao nhanh hoàn thành tuyến đường để việc lưu thông giữa các xã trở nên dễ dàng hơn”, ông Nguyễn Xuân Hiển, trú tại xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn nói.

Cầu xây xong đã 6 năm nhưng người dân vẫn ngày đêm mòn mỏi chờ đường dẫn lên hai mố cầu. Ảnh: Hải Yến

Ông Phan Hùng (60 tuổi, nhà ở gần cầu), cho biết nguyên nhân khiến đường dẫn vào hai đầu cầu chưa được mở rộng là do chính quyền địa phương và các hộ dân sinh sống cạnh cây cầu này chưa thống nhất được phương án đền bù để giải phóng mặt bằng.

“Ban đầu chủ đầu tư thông báo không có tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà chỉ lấy đất đổi đất. Nếu như hộ nào không đồng ý hiến đất thì phần đất bị lấy để mở đường sẽ được cấp cho ở vị trí khác. Song cái khó là xã cứ nhập nhằng trong cấp sổ đỏ cho vùng đất đền bù nên người dân chưa giao mặt bằng để thi công đường dẫn”, ông Hùng nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Diệm cho biết, do quá trình sáp nhập xã mới nên đơn vị đang tìm cách tháo gỡ vướng mắc và vận động người dân bàn giao mặt bằng để làm đường dẫn lên cầu. Hiện xã đã vận động được 16 hộ đồng ý đổi đất, 5 hộ còn lại vẫn chưa đồng ý và yêu cầu đền bù tiền.

Lãnh đạo UBND huyện Hương Sơn, cho hay dự án chậm hoàn thiện là do vướng mặt bằng đất vườn và đất ở của một số hộ dân. Huyện đang lên phương án thống nhất trong giải phóng mặt bằng để đoạn đường nối lên cầu được hoàn thiện.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất