Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam mất bao lâu để hồi phục?

Alomuabannhadat - Tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kịch bản và khuyến nghị chính sách để nền kinh tế nhanh chóng hồi phục sau đại dịch Covid-19.

PGS tiến sĩ Phạm Thế Anh

Kinh tế sẽ “ngấm đòn” từ quý 2

Mở đầu phần trình bày tại tọa đàm, PGS tiến sĩ Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định tác động của dịch Covid-19 là rất lớn và khác lạ so với những khủng hoảng tài chính trước đây.

Để khống chế bệnh dịch, các quốc gia phải tiến hành biện pháp phong tỏa. Điều này dẫn đến ngưng trệ nền kinh tế, trong khi các chi phí như nhân công, chi phí tài chính, thuê nhà xưởng không hề giảm.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1 đạt 3,82%, thấp nhất trong 11 năm trở lại đây. Song nếu so với thế giới, tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang ở mức tích cực.

Theo tiến sĩ Anh, con số tăng trưởng kinh tế trong quý 1 chưa phản ánh hết khó khăn trong bức tranh nền kinh tế. Gần như nửa đầu quý 1, nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Tác động bên ngoài đến nền kinh tế vẫn chưa nhiều. Chỉ bắt đầu vào tháng 3, khi các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn thì nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã bắt đầu suy giảm.

“Tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Việt Nam có độ trễ. Chúng tôi dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động mạnh nhất tới nền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ quý 2/2020, cho dù thời điểm được kiểm soát được dịch bệnh là khi nào”, ông Anh phát biểu.

Cũng theo chuyên gia này, điều cần lưu ý là tác động của đại dịch lần này khác với các khủng hoảng kinh tế tài chính trước đây. Covid-19 tác động mạnh hơn đến khu vực phi chính thức của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, tỷ trọng phi chính thức đóng góp vào kinh tế tương đối lớn, ước tính từ 25-35%.

Trong những đợt khủng hoảng trước đây, khu vực này ít bị ảnh hưởng và được xem là “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Nhưng trong đại dịch lần này, khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng mạnh nhất khi các biện pháp phong tỏa khiến khu vực này dừng hoạt động. Số việc làm hay số hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động do dịch lần này là rất lớn. Tuy nhiên con số này lại không được phản ánh trong GDP.

Triển vọng nào cho kinh tế 2020?

Từ những diễn biến đó, vị kinh tế trưởng của VEPR đưa ra ba kịch bản cho nền kinh tế dựa trên ba kịch bản về khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước và trên thế giới.

Với kịch bản thứ nhất, bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý 2/2020.

Kịch bản thứ hai kém lạc quan hơn, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 3/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 3/2020.

Với kịch bản thứ ba, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 4/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 4/2020 và đầu quý 1/2021.

Dù trong bất kỳ kịch bản cho thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, vị tiến sĩ này cho rằng “sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đặt ra hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

Với kịch bản đầu tiên, đến cuối tháng 6/2020 bệnh dịch sẽ được kiểm soát, và sau quý 2 thì bệnh dịch được chặn đứng, từ đó nền kinh tế thế giới có thể có thể đi vào hồi phục. Nền kinh tế sẽ bắt đầu đi vào tiến trình hồi phục vào quý 3.

Tuy nhiên giai đoạn hồi phục cũng sẽ rất lâu, ít nhất phải 6 tháng đến 1 năm để trở lại như bình thường. Với kịch bản khá lạc quan này, ông Hiếu cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 5%.

Với kịch bản thứ hai, đến cuối tháng 6, Việt Nam và thế giới vẫn chưa kiểm soát được bệnh dịch thì cả nền kinh tế thế giới và kinh tế sẽ đi vào khủng hoảng. Thậm chí, kinh tế Việt Nam có thể đối diện với áp lực tăng trưởng âm, quy mô nền kinh tế của Việt Nam có thể dưới 300 tỉ USD.

Nếu kịch bản thứ hai xảy ra, ông Hiếu cho rằng các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất đó là người lao động, các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, nếu dịch bệnh cho đến cuối tháng 6 vẫn chưa được kiểm soát, tính thanh khoản của các ngân hàng cũng là điều rất đáng lo ngại.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

“Hiện tại, thanh khoản ngành ngân hàng tốt, tín dụng tăng trưởng chậm hơn nên các ngân hàng đang có nhiều tiền. Tuy nhiên, nếu cuối tháng 6 dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì thanh khoản của các ngân hàng sẽ bị tác động mạnh”, ông Hiếu nhận định.

Đáng lo ngại hơn, vị chuyên gia này cảnh báo nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng vọt khi người đi vay rơi vào tình trạng khó khăn để trả nợ.

“Nợ xấu có thể cao hơn mức 20% như giới chuyên môn đã cảnh báo nếu như dịch bệnh chưa được kiểm soát và tiếp tục tác động lên nền kinh tế Việt Nam vào nửa cuối năm 2020”, ông Hiếu nói.

Khuyến nghị chính sách

Từ những khó khăn đặt ra, vị kinh tế trưởng của VEPR cho rằng nên ràng buộc về chính sách khi thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ. Các chính sách phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Chẳng hạn như giảm giá điện đồng loạt hay tiền thuê đất mà không có tiêu chí phân loại rõ ràng sẽ làm kém hiệu quả và tốn nguồn lực.

Bên cạnh đó, cần xây dựng kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch, chia thành các cấp độ chính sách hỗ trợ và cứu trợ. Trong mọi hoàn cảnh, cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn khả năng hoạt động có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh.

Đối với các doanh nghiệp như du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ dù đã ngưng hoạt động nhưng chi phí vẫn phát sinh vì phải trả lãi vay, tiền thuê nhà đất. Đối với nhóm doanh nghiệp không hoạt động, không phát sinh doanh thu, các chính sách thuế đối với họ là vô nghĩa.

Vì vậy, cần khoanh/ngưng các chi phí tài chính như khoanh nợ, lãi, tiền thuê đất cho đến dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp hoạt động trở lại thì mới tính đến các biện pháp kích thích tín dụng, kích thích vay nợ đối với nhóm doanh nghiệp này.

Đối với nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng còn hoạt động cần có tiêu chí phân loại mức độ chịu ảnh hưởng và hưởng hỗ trợ. Trong đó có các giải pháp như hoãn, miễn đóng bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế VAT (không phải thuế thu nhập doanh nghiệp).

Đối với chính sách tiền tệ, cần ưu đãi vốn vay nhưng phải đảm bảo phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu và các ngân hàng thương mại được tự quyết việc này.

Đối với doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng, cần hết sức tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành, thủ tục nhanh chóng vì đây là nhóm doanh nghiệp có thể gánh đỡ cho nền kinh tế.

Ngoài ra, tiến sĩ Anh cũng đề cập đến nhóm chính sách thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy chi thường xuyên, chính phủ quyết tâm thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng.

Song cũng theo ông Thành, đẩy mạnh đầu tư công không phải phê duyệt thêm dự án mới mà thực hiện những dự án đã được phê duyệt, đã nằm trong kế hoạch ngân sách, có nguồn vốn sẵn có để chi tiêu. Đi cùng với đầu tư công là biện pháp cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu.

Trong dài hạn, cần có những chính sách dài hơi hơn như giữ nền tảng vĩ vô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau dài hạn. Từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19. Mặt khác cũng cần tính đến việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào EU, Mỹ , Nhật hay Trung Quốc.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất