Bộ Tài chính đã rút lại đề xuất tăng thuế VAT nhưng nghiên cứu của VEPR sẽ là cơ sở khoa học để các nhà hoạch định chính sách xem xét mỗi khi nhắc đến tăng thuế. PGS.TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
Nghiên cứu của VEPR đã đánh giá tăng thuế VAT sẽ tác động như thế nào tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế, thưa ông?
Theo nghiên cứu của VEPR, tăng thuế VAT làm giảm chi tiêu và thu nhập thực tế của các hộ gia đình, khi tăng 20% thuế suất VAT thì tiêu dùng của các hộ gia đình giảm khoảng 0,94%.
Chúng tôi dự báo tác động của việc tăng thuế VAT lên phúc lợi hộ gia đình trên 2 phương án mà Bộ Tài chính đã từng đề xuất.
Với phương án 1: Nếu tăng thuế VAT lên 1,2 lần, tức là các mặt hàng đang chịu thuế VAT 5% và 10% sẽ chịu thuế 6% và 12% sẽ tác động mạnh lên hộ gia đình làm tiêu dùng của hộ giảm đi 0,89%. Phương án 2: là áp dụng mức thuế suất chung 10% cho các mặt hàng, theo đó các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 10% và làm tiêu dùng của hộ giảm đi 0,32%.
Vậy những nhóm nào sẽ chịu ảnh hưởng của tăng thuế VAT nhiều hơn?
Hộ gia đình có mức chi tiêu cao thường sẽ chịu tác động lớn hơn ở phương án 1, nhưng chịu tác động nhỏ hơn ở phương án 2 so với các hộ gia đình có mức chi tiêu thấp, vì những hộ gia đình có mức chi tiêu cao có tỷ trọng chi tiêu cho hàng hóa phi lương thực lớn và tỷ trọng chi tiêu cho hàng lương thực thiết yếu nhỏ.
Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo. Các hộ gia đình đông người, có tỷ lệ trẻ em và người già từ 80 tuổi trở lên cao hơn, tỷ lệ lao động nữ lớn, bị ảnh hưởng nhiều nhất về nghèo đói. Các hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp, nghề nghiệp kỹ năng thấp và trong nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động về nghèo đói.
Theo ông, tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng lên người nghèo thế nào?
Tăng thuế VAT ảnh hưởng lên tất cả các hộ gia đình, nhưng với người nghèo và cận nghèo thì tăng VAT có ảnh hưởng đáng kể. Các hộ cận nghèo có thể bị giảm chi tiêu thực tế và rơi vào nghèo. Nếu theo phương án 1 số người nghèo tăng thêm khoảng 240.000 người, theo phương án 2 số lượng người nghèo tăng 202.000 người.
Thuế giá trị gia tăng VAT là một nguồn thu chủ yếu của NSNN. Kết quả tính toán của chúng tôi cho thấy khi tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng thêm 20%, tức là tăng mức thuế suất thuế hiện hành 5% lên 6% và tăng mức thuế suất 10% lên 12%, thu ngân sách từ thuế sẽ tăng thêm 4,9% hay tương đương với khoảng 1,0% GDP.
Tuy nhiên, trong dài hạn thì việc nâng cao hiệu quả chi ngân sách mới đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện được thu ngân sách nếu như việc tăng thuế làm giảm sản xuất và tiêu dùng. Do vậy, Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam.
Vậy, có cơ hội tăng thu ngân sách từ nguồn thuế nào khác không, thưa ông?
Có thể tạo nguồn thu bổ sung đáng kể cho ngân sách từ thuế các loại thuế gián thu (thuế VAT, thuế tiệu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường…).
Chẳng hạn, tăng thuế TTĐB không chỉ có tác dụng giảm tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ hay có hại cho sức khỏe, không chỉ giúp giảm gánh nặng điều chỉnh vào thuế VAT mà còn giúp giảm gánh nặng thuế đối với các nhóm thu nhập thấp trong xã hội. Tăng thuế TTĐB cũng có tính chất lũy tiến, tức là tác động nhiều hơn đến các nhóm hộ thu nhập cao so với các hộ nghèo.
Tuy thuế tiêu dùng là các loại thuế hiệu quả về mặt hành thu và ít gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế nhưng nên lưu ý là tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng số thu thuế đã ở mức trên 60%, nên tăng thêm thuế suất bất cứ một loại thuế tiêu dùng nào cũng sẽ làm gánh nặng thuế của nhóm người có thu nhập thấp đã nặng thì càng thêm nặng.
Với các loại thuế dễ gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế thì sao?
Thuế trực thu bao gồm thuế TNDN, thuế TNCN và các loại thuế tài sản tuy dễ gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế nhưng lại là mảng tiềm năng tạo tăng thu ngân sách bền vững. Trong bối cảnh áp lực ngân sách tăng cao, trong trường hợp Chính phủ vẫn cần phải tăng thuế để bù đắp cho thâm hụt và giảm nợ công, theo tôi một mảng tiềm năng để tăng thu ngân sách là thuế tài sản như Bộ Tài chính đề xuất. Nhưng Bộ Tài chính cần tiếp thu ý kiến của người dân cũng như giới học thuật để xây dựng một Luật Thuế tài sản hợp lý và đảm bảo công bằng.
Thuế TNCN có thể là một mảng tiềm năng để tăng thu ngân sách nhưng việc thay đổi mức thuế suất nếu cần thiết cũng phải được cân nhắc kỹ để đảm bảo công bằng thuế và không làm giảm động lực lao động. Việc quan trọng không kém là tăng tính hành thu, giảm thất thu thuế khi mà hệ thống thuế TNCN của Việt Nam còn bị đánh giá là mập mờ, thiếu minh bạch dẫn tới tình trạng lách luật trốn thuế còn phổ biến.
Trước khi tăng thuế phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế.
Xin cảm ơn ông!
theo CafeLand