Với quỹ thời gian không còn quá dài, việc thực hiện đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối cho sân bay Long Thành, nhất là 2 tuyến đường kết nối và hệ thống đường cao tốc... cần được tăng tốc từ thời điểm này.
Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua H.Long Thành hiện đang bị ngưng trệ do gặp khó khăn về nguồn vốn. Ảnh: Q.Nhi
Gấp rút mở đường xây dựng sân bay
Theo quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành sẽ có 2 tuyến đường số 1 và 2 cũng được đầu tư xây dựng mới để đảm nhận vai trò kết nối trực tiếp với sân bay. Trong đó, tuyến đường số 1 ngoài vai trò kết nối giao thông còn là tuyến đường “huyết mạch” phục vụ xây dựng sân bay Long Thành.
Hiện nay, do dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên việc triển khai các thủ tục để xây dựng 2 tuyến đường kết nối sân bay, trong đó có công tác thu hồi đất chưa thể thực hiện. Mặc dù vậy, Đồng Nai vẫn xác định đây là 2 tuyến đường cần được đầu tư sớm để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành.
Với trách nhiệm của địa phương, Đồng Nai cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác thu hồi đất để phục vụ xây dựng 2 tuyến đường kết nối sân bay. Hiện nay, tỉnh đã chủ động đưa vào quy hoạch đối với 2 tuyến đường này và thực hiện cắm mốc ranh giới thu hồi đất. Về cơ chế, chính sách đối với công tác giải phóng mặt bằng, Đồng Nai chủ động kiến nghị với Chính phủ đưa vào khung chính sách áp dụng với sân bay Long Thành nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình thực hiện.
Cùng với đó, Đồng Nai có sự chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. “Tỉnh đã xác định lực lượng hiện đang thực hiện công tác giải phóng đối với khu vực xây dựng sân bay Long Thành sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ tiếp tục thực hiện công tác này đối với khu vực xây dựng 2 tuyến đường kết nối. Do đó, nguồn nhân lực để thực hiện là rất thuận lợi” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Về phía Trung ương, để có cơ sở cho Đồng Nai thực hiện công tác thu hồi đất phục vụ xây dựng 2 tuyến đường kết nối sân bay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GT-VT và Bộ KH-ĐT khẩn trương hoàn thành thẩm định trình Chính phủ xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, trong đó có việc đầu tư xây dựng 2 tuyến đường kết nối. “Giao thông kết nối rất quan trọng và phải làm đồng bộ, không thể chậm trễ” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
“Khởi động” sớm các dự án đường cao tốc
Để hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối cho sân bay Long Thành, hiện nay Chính phủ yêu cầu các địa phương và các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Đối với tuyến đường vành đai 3, Chính phủ đã giao Bộ GT-VT khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện trong năm 2020. Đối với tuyến đường vành đai 4, Chính phủ giao các địa phương lập dự án để ưu tiên bố trí vốn cho giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với 2 dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngoài vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, 2 tuyến đường cao tốc này còn có vai trò quan trọng trong liên kết vùng.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua, tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm trễ do ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn. Do đó, thời gian tới, 2 địa phương TP.HCM và Đồng Nai cần khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai thi công. Bộ KH-ĐT, Bộ GT-VT và Bộ Tài chính phối hợp để tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn đối ứng trong nước đối với dự án. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng phải chủ trì thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định vay vốn với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho dự án đến ngày 31-12-2023.
Đối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án để có kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
Riêng đường cao tốc TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây, Thủ tướng Chính phủ cho rằng việc mở rộng tuyến đường này là điều người dân rất mong mỏi. Do đó, Bộ GT-VT cần nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư mở rộng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất.
Hiện nay, Bộ GT-VT đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trước mắt, để nghiên cứu giảm ùn tắc giao thông trên tuyến và xác định quy hoạch đất dành cho tuyến cao tốc nêu trên, CIPM tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trình Bộ GT-VT trong đầu quý IV-2020 làm cơ sở xem xét, đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó giai đoạn 2021-2030, nghiên cứu quy mô đầu tư từ 8-10 làn xe đoạn nút giao An Phú - Long Thành, riêng đoạn Long Thành - Dầu Giây giữ nguyên quy mô 4 làn xe. Đồng thời, làm rõ quy mô và trách nhiệm đầu tư đối với các nút giao: An Phú, đường vành đai 2, đường vành đai 3, quốc lộ 51.
Về giải pháp căn cơ, lâu dài, Vụ Kế hoạch - đầu tư (Bộ GT-VT) chủ trì phối hợp với địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu phương án tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trong đó lưu ý phương án đầu tư đường trên cao (trong trường hợp không cho phép mở rộng quỹ đất) đoạn từ TP.HCM đi sân bay Long Thành.
|
theo CafeLand