Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2 của TP.HCM xây đã gần xong, gần xong nhưng chưa biết bao giờ xong là vì chưa có mặt bằng thi công phía bên quận 1.
Cầu Thủ Thiêm 2 còn một nhịp cuối cùng là sẽ nối bờ quận 1 nhưng chưa thể vì chưa được bàn giao mặt bằng. Ảnh: Quang Định
Đây là cây cầu có vốn đầu tư lên đến 3.082 tỉ đồng, theo kế hoạch phải đưa vào sử dụng trong năm 2018, rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM nhưng lại lỗi hẹn, lần này là vì mặt bằng chưa được bàn giao.
Không chỉ riêng cầu Thủ Thiêm 2, nhiều công trình trọng điểm của ngành giao thông như các dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam, dự án sân bay Long Thành... tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn đều đang bị chậm.
Mới đây, bằng công điện 1244, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải ra "tối hậu thư" về việc giải phóng mặt bằng cho các dự án công trình trọng điểm.
Yêu cầu của Thủ tướng là các địa phương và các đơn vị có liên quan phải thực hiện nghiêm việc bàn giao mặt bằng trong quý 3-2020. Mà quý 3 thì đang sắp trôi qua.
Việc giải phóng mặt bằng chậm trễ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến tiến độ thi công các công trình, mà còn đến cố gắng của Chính phủ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đại dịch đã làm tổng cầu bị giảm sút nghiêm trọng.
Không kích cầu thì không thể phát triển kinh tế. Tăng cường đầu tư công là giải pháp hữu hiệu nhất để kích cầu. Đầu tư công vào các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì không chỉ kích cầu mà còn chuẩn bị nền tảng vững chắc cho sự cất cánh của nền kinh tế sau đại dịch.
Công bằng mà nói đầu tư công còn bị vướng mắc vì rất nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp khác chứ không chỉ vì giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, có vẻ như giải phóng mặt bằng đang là một trong những vướng mắc cơ bản nhất và cũng không đáng có nhất.
Trước hết, ở nước ta đất đai thuộc sở hữu toàn dân, những công trình vì lợi ích của toàn dân thì không thể bị gây khó dễ trong việc cấp mặt bằng thi công. Cơ sở pháp lý và đạo lý luôn luôn tồn tại cho việc giải phóng mặt bằng ở đây.
Thứ hai, tiền đền bù, giải tỏa đã được đưa vào chi phí của các công trình. Số tiền này thường được dự toán theo yêu cầu hoặc với sự đóng góp ý kiến của các địa phương, chứ không phải lấy từ trên trần nhà xuống.
Rất nhiều địa phương đã giải phóng mặt bằng cho các công trình hết sức nhanh chóng. Điều này cho thấy sự sâu sát của lãnh đạo và cách thức giải phóng mặt bằng, cách thức đền bù, giải tỏa mới là yếu tố làm nên sự khác biệt.
Cuối cùng, tăng cường đầu tư công là rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, phản ứng chính sách này hoàn toàn có thể bị vô hiệu hóa nếu mặt bằng các công trình không giải phóng được, không cung cấp kịp thời để thi công các công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm. Đây là một vấn đề rất lớn hiện nay, nhưng lại là một vấn đề nan giải ở nhiều nơi.
Nhận thức, kỹ năng, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo cùng các cơ quan chuyên môn ở địa phương và bộ, ngành là rất quan trọng để giải quyết vấn đề này, không thể để Thủ tướng phải ra "tối hậu thư" đốc thúc thì việc mới được giải quyết.
theo CafeLand