Alomuabannhadat - Phát biểu tại Hội thảo “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, Thủ tướng yêu cầu thu hút FDI trong thời gian tới cần sự chủ động của doanh nghiệp trong nước và nhìn thẳng vào những hạn chế của doanh nghiệp FDI trong thời gian qua.
Sự nghiệp đổi mới bắt đầu 1986, đến tháng 12/1987 Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Có thể nói, thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) luôn “song hành” với sự nghiệp đổi mới và là sự cụ thể hóa sinh động chủ trương “mở cửa” của đất nước.
Những năm đầu tiên, khi pháp luật Việt Nam còn chưa đầy đủ, kinh nghiệm quản lý theo kinh tế thị trường còn yếu, sự vận hành của đầu tư nước ngoài là một trong những bài học để chúng ta vận dụng phát triển kinh tế thị trường một cách linh hoạt và sáng tạo.
Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 26.500 dự án ĐTNN đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỉ USD vào Việt Nam.
Đến năm 2017, khu vực ĐTNN chiếm gần 20% GDP, đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu, sử dụng gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp.
Nhìn thẳng vào những thua thiệt, hạn chế
Vui và tự hào, nhưng cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, cả những thua thiệt trong thu hút ĐTNN. Các doanh nghiệp ĐTNN về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Liên kết giữa khu vực ĐTNN và khu vực trong nước và chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. Một số dự án ĐTNN tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; còn có biểu hiện báo lỗ - chuyển giá, đầu tư chui...
Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút ĐTNN, nay Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác ĐTNN” với nội hàm mở rộng hơn.
“Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì là chúng ta chấp nhận nấy”
Định hướng trong hợp tác ĐTNN thời gian tới là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Hợp tác ĐTNN là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy. Điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
Khuyến khích ĐTNN, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp ĐTNN trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ...
Với doanh nghiệp trong nước, từ tư duy thụ động, bị nhà ĐTNN vào “mua”, nay chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp ĐTNN tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.
Hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp ĐTNN thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, đủ điều kiện hưởng ưu đãi.
theo CafeLand