Kinh tế toàn cầu có khủng hoảng hay không?

Alomuabannhadat - Trái ngược với rất nhiều nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong đó có nhiều người đạt giải Nobel, về triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu, thị trường chứng khoán ở hầu hết các quốc gia đều phục hồi rất ấn tượng. Khắp nơi trên thế giới, nhà đầu tư mới đổ tiền vào thị trường chứng khoán một cách mạnh mẽ.

Sự tăng trưởng tích cực của chứng khoán dường như đang làm người ta quên đi thực tại, rằng  rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tình trạng thất nghiệp gia tăng, thâm hụt ngân sách rất lớn ở nhiều quốc gia.

Liệu kinh tế thế giới có “tồi tệ” hơn cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất là năm 2008, đã làm cho hầu hết thị trường chứng khoán sụt giảm 60-80%, hay đây chỉ là một làn sóng nhẹ gây ra bởi Covid-19 và kinh tế thế giới sẽ nhanh chóng phục hồi?

Khủng hoảng kinh tế là gì?

Hiện nay các nhà kinh tế vẫn không đưa một khái niệm chính thức như thế nào gọi là “khủng hoảng kinh tế”. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường thì khủng hoảng kinh tế thường để chỉ một quốc gia hay một khu vực trải qua giai đoạn kinh tế giảm mạnh, kéo theo mất công ăn việc làm, đời sống người dân gặp khó khăn kéo dài trong nhiều năm.

Cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất là năm 2007, nó xuất phát từ khủng hoảng tài chính ở Mỹ và lan rộng ra toàn cầu. Cuộc khủng hoảng lớn nhất thế giới thời cận đại là đại khủng hoảng bắt đầu từ năm 1929 trên đất Mỹ. Kinh tế Mỹ đã suy giảm liên tục từ năm 1929 đến 1933, với mức sụt giảm GDP tổng cộng gần 40%. Kinh tế Mỹ thực sự phục hồi vào năm 1939.

Trong giai đoạn này, không chỉ riêng kinh tế Mỹ, kinh tế hầu hết các quốc gia khác cũng gặp khó khăn. Điều này được xem là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2, cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt đã giết chết hàng trăm triệu người trên thế giới.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, kinh tế Mỹ cũng có 3 năm suy giảm liên tục là năm 1945-1947 với mức suy giảm gần 15%. Đợt suy giảm lớn nhất của kinh tế Mỹ gần đây nhất là năm 2008 -2009, với mức tăng trưởng GDP âm.

Một khái niệm khác cũng được rất nhiều người chú ý là “suy thoái kinh tế”. Khái niệm này được định nghĩa là GDP giảm 2 quý liên tiếp.

Đối chiếu các khái niệm đó thì rõ ràng hiện nay hầu hết các nền kinh tế đều đang suy thoái ở mức rất sâu. Và khoảng cách từ mức suy thoái sâu này đến mức khủng hoảng không quá xa.

Nguyên nhân khủng hoảng kinh tế là gì?

Cũng như mọi quy luật của cuộc sống, sự phát triển của nền kinh tế luôn có tính chất chu kỳ. Tức nền kinh tế phát triển qua các giai đoạn tăng trưởng: đạt đỉnh, suy thoái, đạt đáy, phục hồi. Tùy theo mỗi quốc gia và giai đoạn khác nhau một vòng chu kỳ thường kéo dài 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều sử dụng các chính sách kinh tế như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để giảm đi những chu kỳ biến động lớn của nền kinh tế.

Nguyên nhân sâu xa của giai đoạn khủng khoảng nền kinh tế thường xuất phát từ sự mất cân đối quá lớn. Tức là nền kinh tế sau một khoảng thời gian phát triển nóng sẽ dẫn đến sự mất cân đối.

Thông thường, dễ thấy nhất là mất cân đối trên thị trường tài chính như việc tiền được bơm quá nhiều vào nền kinh tế dẫn đến bong bóng bất động sản, chứng khoán… Người dân tiêu dùng nhiều dẫn đến giá cả nhiều mặt hàng gia tăng và lạm phát.

Trong cuộc đại khủng hoảng năm 1929 cũng xuất phát từ làn sóng đầu cơ chứng khoán quá mạnh và lãi suất ngân hàng xuống mức thấp. Hệ thống tài chính bắt đầu rạn nứt khi những người vay bắt đầu không trả được nợ làm ngân hàng phá sản. Kinh tế Mỹ đã suy sụp và kích hoạt hiệu ứng domino trên diện rộng khiến cho GDP mất gần 50% trong vòng 4 năm.

Cuộc khủng hoảng gần nhất là 2007-2013, cũng bắt đầu từ hệ thống tài chính. Các quỹ cho vay mua nhà dưới chuẩn sụp đổ khi người vay tiền mua nhà bắt đầu không trả được nợ. Trước đó, cũng có nhiều dấu hiệu rủi ro như giá các tài sản tài chính tăng mạnh, giá nguyên liệu, dầu mỏ, lạm phát tăng ở nhiều quốc gia.

Chung quy lại, các cuộc khủng hoảng lớn chủ yếu đều xuất phát từ các vấn đề nội tại trong nền kinh tế. Đây là những yếu tố được sinh ra do sự mất cân đối sâu xa trong cấu trúc của nền kinh tế sau một khoảng thời gian phát triển.

Một số cuộc suy thoái khủng hoảng khác bắt nguồn từ yếu tố “ngoại sinh”, chẳng hạn như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh. Chiến tranh thế giới thứ 2 đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến sản lượng sa sút. Ngày nay, một số quốc gia thường xảy ra chiến tranh, nội chiến cũng làm cho kinh tế suy giảm trầm trọng.

Có gì khác biệt so với khủng hoảng hiện nay với năm 2008

Biến động kinh tế toàn cầu

Nguồn: Worldbank

Điểm khác biệt đầu tiên là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Năm 2008, khủng hoảng bắt nguồn từ các yếu tố có tính chất nội sinh. Tức nền kinh tế phát triển lên đỉnh và mất cân đối dẫn đến khủng hoảng. Năm 2007, tồn tại tất cả các yếu tố làm nên tiền để cho một cuộc khủng hoảng như lạm phát gia tăng, bong bóng hàng hóa, thị trường chứng khoán, nhà đất đều tăng mạnh. Các tài sản tài chính chất lượng thấp ở Mỹ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các sụp đổ có tính dây chuyền.

Khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã lan rộng ra hầu hết các quốc gia và dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu. Việt Nam chịu tác động bởi khủng hoảng kép. Tức là khủng hoảng từ chính các yếu tố nội tại của Việt Nam và ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kết quả GDP toàn cầu năm 2009 đã sụt giảm 1,67%, trong đó các nước phát triển và các nước thuộc OECD giảm khoảng 3,4%. Các nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc vẫn duy trì được tăng trưởng GDP dương.  

Bản cân đối tài sản của FED

Bản cân đối tài sản của FED

Nguồn: FED

(Số tiền FED bơm vào nền kinh tế Mỹ đã tăng vọt trong 1 tháng với tổng số tiền hơn 3.000 tỉ USD để tránh cho hệ thống tài chính khỏi sụp đổ)

Tuy nhiên, ngay sau đó, năm 2010, kinh tế thế giới đã có những bước phục hồi ấn tượng. GDP toàn cầu đã tăng tới 4,3%, một mức khá cao so với nhiều năm trước đó. Các chính sách kích thích kinh tế của các quốc gia đã kéo các nền kinh tế dần phục hồi. Bắt đầu từ năm 2014, các nền kinh tế đã có sự tăng trưởng ấn tượng trở lại, thoát khỏi thời kỳ khó khăn kéo dài gần 5 năm.

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể giảm tới 4,9%. Trong đó, Liên minh châu Âu (Euro) giảm trên 10%, còn Mỹ giảm 8%. Đây là mức giảm chưa từng có của kinh tế toàn cầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Việc kinh tế toàn cầu giảm là một điều tất yếu bởi các chính sách giãn cách xã hội của các quốc gia có nhiều người bị lây nhiễm Covid-19. Do đó, mọi hoạt động của ngành dịch vụ gần như ngưng trệ, công nhân nghỉ việc hàng loạt.

Tuy nhiên, khác với phần lớn các cuộc khủng hoảng trước đây, phần lớn xuất phát từ các yếu tố nội tại trong nền kinh tế và xuất phát điểm là khủng hoảng tài chính, khủng hoảng 2020 xuất phát từ một nguyên nhân khách quan là bệnh dịch. Việc bệnh dịch lan rộng trên toàn cầu và tác động ngay vào nền kinh tế thực gây suy giảm trầm trọng.

Kinh tế thế giới có thực sự khủng hoảng hay không?

Tăng trưởng GDP

  Nguồn: IMF

Sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và nhiều quốc gia ở mức trầm trọng là điều không thể tránh khỏi. Rất nhiều nhà kinh tế, tổ chức nghiên cứu đều đưa ra cảnh báo về một đợt khủng hoảng tồi tệ chưa từng có sau đại khủng khoảng năm 1929.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm lạc quan cho rằng kinh tế thế giới sẽ không khủng hoảng nhờ các giải pháp ngăn chặn kịp thời của nhà nước và kinh tế các quốc gia sẽ nhanh chóng phục hồi. Vậy thực sự kinh tế thế giới có khủng hoảng hay không?

Để trả lời câu hỏi đó chúng ta quay lại bản chất của khủng hoảng là mất cân đối trầm trọng trong nền kinh tế và thường là ở đỉnh của chu kỳ phát triển. Yếu tố kích hoạt khủng hoảng là vỡ nợ ngân hàng, vỡ nợ công, chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt… Từ khủng hoảng trên hệ thống tài chính sẽ lan sang nền kinh tế thực làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, doanh nghiệp phá sản, sản xuất đình đốn. Trong nhiều trường hợp, việc khủng hoảng là cần thiết để tái lập lại cân bằng cho nền kinh tế.

Kinh tế năm 2020 suy giảm mạnh do dịch bệnh gây ra, tức là tác nhân bên ngoài đã tác động vào nền kinh tế thực. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sức khỏe doanh nghiệp và cả nền kinh tế trước khi có bệnh dịch vẫn tương đối tốt. Chắc chắn kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ không thể trả được nợ và phá sản. Tác động này tương đương, thậm chí mạnh hơn so với những khủng cuộc khủng hoảng tài chính gây ra cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn đối với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra so với các cuộc khủng hoảng trước là không gian chính sách vẫn còn lớn và sức khỏe nội tại của các doanh nghiệp trong nền kinh tế vẫn còn tốt. Về chính sách, chúng ta có thể thấy hầu hết các quốc gia đều thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng mạnh mẽ để cứu các nền kinh tế.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đã tung ra 2.900 tỉ USD, tương đương với 15% GDP để hỗ trợ cho nền kinh tế. Trong đó, phần lớn số tiền này được phân phát cho người mất việc làm, người có thu nhập thấp để có tiền chi tiêu. Về chính sách tiền tệ, FED cũng cắt giảm lãi suất về mức 0-0,25% và tung ra hơn 3.000 tỉ USD để mua trái phiếu và các tài sản tài chính để hỗ trợ tránh cho thị trường tài chính sụp đỗ.

Một quốc gia cũng có gói cứu trợ lớn khác là Nhật Bản với số tiền lên tới 108 nghìn tỉ yên, tương đương 1.000 tỉ USD, bằng 20% quy mô nền kinh tế nước này. NHTW của Nhật Bản cũng đưa mức lãi suất về - 0,1%. Các nước châu Âu cũng tung ra các gói tài khóa hàng trăm tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế, bất chấp thâm hụt ngân sách đang ở mức rất cao.

Sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ và NHTW vào các nền kinh tế đã xoa dịu những tác động tiêu cực từ những ảnh hưởng các chính sách giãn cách xã hội. Tiền được bơm vào nền kinh tế cũng đã khiến cho hầu hết các thị trường chứng khoán đều tăng rất mạnh trở lại sau một khoảng thời gian ngắn lao dốc. Mức phục hồi của các chỉ số chứng khoán gần bằng mức trước khi có khủng hoảng.

Như vậy, dù kinh tế có suy giảm, doanh nghiệp khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhưng các biện pháp giải cứu nền kinh tế của các chính phủ đã giữ cho thị trường tài chính ổn định. Không có một làn sóng phá sản diễn ra mạnh mẽ như các đợt khủng hoảng tài chính trước đây.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng kinh tế có chìm sâu vào khủng hoảng hay không phụ thuộc rất lớn vào tình hình lan rộng của dịch bệnh. Hiện nay, cả thế giới đã có 12,7 triệu người nhiễm bệnh, 7,4 triệu người đã khỏi, số ca còn nhiễm là 4,7 triệu và 563 nghìn người chết.

Trong 2 tuần gần đây, hầu hết các nền kinh tế đã nới lỏng giãn cách xã hội và các hoạt động kinh tế đang dần được hồi phục. Số cả nhiễm bệnh tại Mỹ, các nước châu Mỹ La Tinh, Ấn Độ, Nga tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn trước đây nhiều. Đặc biệt, số người chết mỗi ngày không còn tăng nhiều như trước và cả số phục hồi cũng tăng mạnh.

Như vậy, có thể thấy bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn còn hết sức ảm đạm. Một số ngành nghề dịch vụ như du lịch, vận tải hàng không, xe hơi… chắc chắn sẽ còn chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, rủi ro về một cuộc đại khủng hoảng đã thấp hơn rất nhiều. Đặc biệt, mức tăng trưởng dịch bệnh thấp hơn nhiều so với trước đây.

Do đó, tình hình dịch bệnh có thể thuyên giảm và hoạt động kinh tế có thể trở lại bình thường trong năm sau. Kinh tế toàn cầu rất có thể tăng 5,4% như dự báo mới nhất của IMF và không có một cuộc suy giảm sâu và kéo dài như nhiều nhà kinh tế dự báo.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất