Alomuabannhadat - Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những xáo trộn hiện nay trên thị trường tài chính toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tạm thời đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, theo Ngân hàng Thế giới.
Tăng trưởng của Việt Nam dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và quanh mức khoảng 6,5% năm 2022
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 4/2020 với tiêu đề: Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19.
Trong báo cáo, ngân hàng thế giới nhận định, trong điều kiện hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm Covid-19.
Các ngành chế tạo, chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2020. Việt Nam đã bắt đầu “ngấm đòn” từ sự biến động của nền tài chính toàn cầu, giá cổ phiếu sụt giảm, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên và dòng vốn đầu tư suy giảm.
Mặc dù vậy, WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững. Cụ thể, trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn FDI đổ vào lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%.
“Với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra”, WB nhận định.
Dù nhận định triển vọng trung hạn của nền kinh tế là thuận lợi, nhưng WB cho rằng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19, nay đã trở thành đại dịch toàn cầu.
Báo cáo của WB ước tính sơ bộ, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020 (tức giảm khoảng 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của WB). Vì số ca bị nhiễm còn tương đối thấp (tính đến tháng 3/2020).
Du lịch, chế tạo và chế biến được cho là các ngành chịu tác động tiêu cực nhất của dịch bệnh do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Cũng theo báo cáo, bội chi ngân sách tạm thời tăng lên trong năm 2020 do thu ngân sách thấp hơn và do triển khai gói kích cầu tài khóa nhằm phần nào bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu với nền kinh tế Việt Nam.
Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục.
Rủi ro và thách thức
Dù có tín hiệu tích cực, song báo cáo cũng chỉ ra trong ngắn hạn, sự bùng phát coronavirus có thể tạo ra tác động bất lợi mạnh mẽ hơn đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất và du lịch vốn phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế toàn cầu.
Tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn, nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng.
Những rủi ro khác trong ngắn hạn là hoạt động kinh tế và dòng chảy thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm do Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất hiện nay trên thế giới.
Trong thời gian tới, Việt Nam có thể quản lý được những rủi ro bên ngoài nêu trên bằng cách đa dạng hóa thị trường thương mại và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình. Tuân thủ theo các hiệp định thương mại thế hệ mới, ví dụ như EVTFA, là cách để Việt Nam hỗ trợ cho nỗ lực đó.
Một trong những hành động được khuyến nghị trong báo cáo là các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cần đầu tư khẩn cấp nhằm tăng cường năng lực hệ thống y tế và dự phòng dài hạn của quốc gia; hợp tác quốc tế để đẩy mạnh sản xuất, cung ứng các mặt hàng, dịch vụ y tế quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh.
Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị đối với các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Trong đó có điều chỉnh cả chính sách y tế và chính sách kinh tế vĩ mô; khẩn trương nâng cao năng lực chăm sóc y tế để đáp ứng nhu cầu có thể tăng vọt trong giai đoạn kéo dài; điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ để ứng phó với khủng hoảng COVID-19.
theo CafeLand