Việc đặt nhà ga ngầm đường sắt đô thị ven Hồ Gươm đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia, nhà khoa học, tuy nhiên đơn vị quản lý dự án vẫn chưa tiếp thu, điều chỉnh…
Khu vực nhà ga C9, ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng (vòng tròn đỏ, ảnh lớn) và phương án mặt bằng tuyến (ảnh nhỏ, đường đỏ) được UBND TP Hà Nội chấp thuận trong tháng 2 và 3/2013 - Ảnh: Đặng Tuấn Trung
Vì sao chọn đặt ga ngầm cạnh Hồ Gươm?
Tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có lý trình từ Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du). Theo phương án được phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5km (đoạn trên cao khoảng 2,6km, đoạn ngầm gần 9km). Tổng mức đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.
Vấn đề được dư luận quan tâm và nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất là ga C9 của dự án được chọn nằm chính trên đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vỉa hè Điện lực Hà Nội. Dự kiến, nhà ga này sẽ nằm dưới lòng đất sâu 25m, đỉnh ga đến mặt đất 5m, dài 150m, rộng 21m. Nhà ga có 4 cửa lên xuống, trong đó một cửa ga trên vỉa hè cạnh hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) sẽ thay thế cửa hàng và nhà vệ sinh công cộng hiện tại.
Dự án đang được điều chỉnh và quy hoạch tổng mặt bằng ga C9. Nếu cấp có thẩm quyền phê duyệt, năm 2019 sẽ thực hiện công tác đấu thầu thiết kế chi tiết và thi công. Dự án dự kiến khởi công vào đầu năm 2020 và hoàn thành vào năm 2024.
Một trong những lý do đặt ga ngầm ở Hồ Gươm là theo Ban Quản lý dự án, nhà ga C9 chỉ có một phần lọt vào vùng II (tiếp giáp khu vực bảo vệ vùng I) của di sản văn hóa và được phép xây dựng công trình bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Công trình ga C9 góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Vì vậy, theo Điều 32, Luật Di sản văn hóa, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL có thẩm quyền đồng ý hoặc không đối với việc xây dựng công trình trên.
|
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết, các cơ quan và dư luận thời gian qua nêu lên 4 lo ngại chính đối với nhà ga C9: Vi phạm Luật Di sản văn hóa; nguy cơ gây ảnh hưởng kết cấu vật chất khu vực khi thi công; ảnh hưởng khi vận hành; tập trung lượng lớn người khi khai thác gây ảnh hưởng đến không gian.
“Đơn vị tư vấn, Ban Quản lý dự án đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng giải trình về các nội dung trên”, ông Hiếu nói và khẳng định, công trình ga C9 không vi phạm Luật Di sản và còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Gươm.
Theo ông Hiếu, tàu điện ngầm vận hành đúng giờ, an toàn và thay thế phương tiện giao thông đông đúc trên mặt đất giúp giảm ô nhiễm không khí và đưa nhiều người đến với di sản hơn; giải pháp thi công bằng máy đào là cân bằng áp lực, tình huống lún đất xấu nhất chỉ 6-8mm, tại vị trí nhạy cảm như đền Bà Kiệu chỉ 1-4mm, cũng như tính toán về thay đổi địa chất, thủy văn.
“Năm 2008, Hà Nội ký phê duyệt báo cáo khả thi dự án, trong đó nêu rõ hướng tuyến, vị trí ga C9. Đến tháng 12/2013, Thủ tướng có quyết định công nhận Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn là Di tích Quốc gia đặc biệt. Vấn đề pháp lý nảy sinh chỉ là việc nghiên cứu, phê duyệt có trước, còn việc xếp hạng di tích có sau vài năm”, ông Hiếu nói và cho rằng, vấn đề lớn nhất là ga C9 có ảnh hưởng di sản văn hóa hay không.
Đại diện Ban Quản lý dự án cũng cho biết, tháng 5 và 7/2018 vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng hai lần xin ý kiến Bộ VH, TT&DL về vấn đề ga C9 theo quy định tại Điều 32, Luật Di sản văn hóa. “Chúng tôi đang chờ ý kiến chính thức của Bộ VH, TT&DL để triển khai tiếp. Trường hợp Bộ không đồng ý cần nêu rõ lý do”, ông Hiếu nói và cho biết thêm, từ năm 2010 đến nay, Bộ VH, TT&DL có 4 văn bản trả lời Hà Nội về vấn đề trên, với hai nội dung chính là: Đồng ý về việc xây dựng nhà ga C9 và nghiên cứu kỹ hơn vị trí đặt nhà ga để giảm sự tác động đến di sản.
Ban Quản lý dự án cho biết, dù không có quy định nhưng đầu năm 2018, đơn vị đã tổ chức trưng bày, giới thiệu công khai, phát phiếu lấy ý kiến người dân về phương án quy hoạch ga C9. Trong 3 tuần trưng bày đã nhận được gần 1.800 phiếu. Trong đó, 90,3% số phiếu đồng ý với phương án được đưa ra, chỉ 7% phản đối và gần 3% không có ý kiến.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, quá trình lập dự án tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội đã xin ý kiến các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ GTVT.
Ngày 27/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã có ý kiến về vấn đề chung, tổng thể của dự án và không có ý kiến riêng về vị trí quy hoạch nhà ga C9. “Việc quy hoạch tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cần phù hợp với quy hoạch, đồng thời có đánh giá tổng thể tác động về mọi mặt”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Khu vực nhà ga C9, ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng (khoanh tròn) - Ảnh: Khánh Linh
Ga phải làm cách xa, làm lối nhánh lên hồ
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn cho rằng, không nên xây trực tiếp ga ngầm ở ven Hồ Gươm như hiện nay, mà chọn vị trí khác lùi xa bờ hồ hơn, sau đó có lối nhánh đi lên bờ hồ.
“Ở các nước trên thế giới, khi xây ga ngầm ở các điểm di tích lịch sử, văn hóa họ làm lối nhánh hàng trăm mét để khách đi lên tham quan, nghỉ ngơi”, TS. Liêm nói.
TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN cũng cho rằng, có những mảnh đất địa linh nhân kiệt, gắn liền với lịch sử, truyền thống thì không được xâm phạm. “Các nước khác cũng như vậy. Tất cả các khu vực như trên đều không được xây dựng công trình cao tầng bên trên hay đi ngầm ở dưới. Tuyến đường sắt ngầm và ga C9 nên cách xa Hồ Gươm”, TS. Long nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét việc xây dựng ga C9 cạnh Hồ Gươm. Ủy ban này cho rằng, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô.
Cũng theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, quá trình thi công và vận hành đường ngầm hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại di tích, vi phạm điều cấm của Luật Di sản văn hóa. Đây là những di tích được xây dựng từ hàng trăm năm trước, kết cấu trụ móng không vững chắc (Tháp Bút hiện bị nghiêng 30), trong khi các phương án giảm thiểu tác động do nhà tư vấn đưa ra chỉ mang tính lý thuyết.
“Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ... trước khi trình Thủ tướng cho ý kiến thực hiện”, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị.
Mới đây nhất, Bộ VH, TT&DL có thông tin báo chí cho biết, trong các văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Bộ đều yêu cầu thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng. Tuy vậy, trong văn bản phản hồi của Hà Nội cho rằng, về mặt kỹ thuật cũng như an toàn vận hành không thể dịch chuyển vị trí nhà ga theo yêu cầu của Bộ VH, TT&DL.
Do đó, Bộ VH, TT&DL đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa.
theo CafeLand