Alomuabannhadat - Các trung tâm mua sắm đang phát triển và cung cấp nhiều giá trị mới. Đó là lý do vì sao nhiều nhà bán lẻ tại châu Á đã sẵn sàng đối phó với những sự gián đoạn khác nhau trong tương lai.
Với việc Trung Quốc và Hàn Quốc là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tại châu Á đang có nhiều điều kiện thuận lợi để hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, với những ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều nhà đầu tư hiện tại không còn quá mặn mà với phân khúc bán lẻ truyền thống. Thậm chí, tại một số trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, nhiều cửa hàng đã tuyên bố phá sản vì không có khách hàng trong suốt năm 2020.
Đại dịch trở thành yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn những phân khúc khác trên thị trường bất động sản, trong đó bao gồm công nghiệp và logistics. Đó là lý do dẫn đến tỷ trọng khối lượng giao dịch bán lẻ toàn cầu giảm xuống trong thời gian qua.
Trong khoảng thời gian từ đầu quý 2 năm 2020 đến cuối quý 1 năm nay, các khoản đầu tư vào phân khúc bán lẻ chỉ chiếm 11% số lượng các giao dịch bất động sản tạo ra thu nhập, theo dữ liệu từ RCA.
Tại Mỹ, số lượng giao dịch bán lẻ trong ba tháng đầu năm 2021 đã giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số tương tự tại châu Âu là 50%, theo CBRE.
Mặc dù vậy, tại châu Á – Thái Bình Dương, số lượng giao dịch phân khúc bán lẻ trong quý 1/2021 lại tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn tới điều này là việc nhiều nền kinh tế đã mở cửa trở lại cùng với đó là các hoạt động của ngành du lịch đang dần được phục hồi sau đại dịch. Điều này rõ ràng đã đem đến tín hiệu tích cực cho ngành bán lẻ truyền thống tại châu Á – Thái Bình Dương.
Có một số lý do khiến lĩnh vực bán lẻ trở nên hấp dẫn tại châu Á. Đầu tiên, có thể dễ dàng nhận thấy số lượng các trung tâm mua sắm tại châu Á, bao gồm cả ở những quốc gia lớn như Nhật Bản, Úc hay Hong Kong chưa thể so sánh với những quốc gia khác như Mỹ, Canada và các nước châu Âu. Do đó, nhiều nhà đầu tư đang cố gắng khai thác tiềm năng phát triển của lĩnh vực này tại châu Á.
Thứ hai, vai trò của các trung tâm mua sắm giờ đây đã thay đổi. Ngoài việc là nơi để mua sắm, những trung tâm này còn đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho phép mọi người giao lưu, tận hưởng các loại hình giải trí khác nhau và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này có giá trị đặc biệt quan trọng tại châu Á, nơi có số lượng tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng.
Cuối cùng, châu Á là khu vực có sự chuẩn bị và đối phó với dịch bệnh Covid-19 cũng như các lệnh giãn cách xã hội tốt nhất trên thế giới. Nhờ vào việc các nền kinh tế phương Tây đi trước trong việc chuyển đổi các kênh bán hàng trực tuyến, nhiều nhà bán lẻ tại châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, đang có nhiều lợi thế trong việc cải thiện sự tương tác với khách hàng.
Dù có sự phát triển như vậy, các tài sản bán lẻ, ngay cả ở những khu vực vị trí địa lý thuận lợi, cũng cần phải tăng cường chất lượng đáng kể để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư. Điều này đặc biệt đúng khi thế giới đang chuẩn bị bước vào một cuộc sống sau đại dịch Covid-19.
Gordon Marsden, người đứng đầu thị trường vốn khu vực châu Á của Cushman & Wakefield Hong Kong cho biết việc đầu tư vào một trung tâm mua sắm cần nhiều thời gian và công sức, ngoài ra cần phải có một đơn vị quản lý uy tín.
Tuy vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, bán lẻ đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian qua, đặc biệt là khi quá trình sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19 đang được đẩy nhanh. Chỉ số S&P 500 về tín thác đầu tư bất động sản tập trung vào ngành bán lẻ đã tăng 63%, trong khi con số tương tự của ngành bất động sản công nghiệp và logistics chỉ ở mức dưới 10%.
theo CafeLand