Alomuabannhadat - Trong thời gian gần đây, lĩnh vực bất động sản đang đứng trước nhiều sự thay đổi về xu hướng. Đặc biệt, ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới việc phát triển các tòa nhà theo tiêu chí bền vững.
Theo Deloitte, tỷ lệ các nhà đầu tư trên toàn cầu áp dụng các tiêu chí mới về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) cho ít nhất một phần tư tổng danh mục đầu tư của họ đã tăng từ 48% trong năm 2017 lên 75% vào năm 2019. Dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Một phần ba số tòa tháp cao tầng tại Singapore đã được phủ xanh
Trong số các quốc gia tại châu Á, Singapore chính là một trong những thị trường đi đầu về việc phát triển các tòa nhà đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững. Hiện nay, có tới một phần ba số lượng tòa nhà cao tầng tại quốc gia này đã được phủ xanh.
Theo Bộ Xây dựng Singapore, tính đến tháng 1 năm 2018, khoảng 3.200 tòa nhà ở quốc gia này đã đáp ứng các tiêu chuẩn Green Mark của Cơ quan Kiến trúc và Xây dựng (BCA). Tổng diện tích của các tòa nhà này lên tới hơn 94 triệu m2, chiếm khoảng một phần ba tổng diện tích sàn xây dựng tại Singapore.
Green Mark Scheme là một hệ thống đánh giá công trình thân thiện với môi trường đã được quốc tế công nhận. Hệ thống này thiết lập các thông số và các chỉ số để hướng dẫn việc thiết kế, xây dựng và vận hành các tòa nhà mới nhằm tối ưu hóa quá trình sử dụng năng lượng và nâng cao hiệu suất môi trường. BCA đã áp dụng hệ thống này vào năm 2005 trong nỗ lực phủ xanh các tòa nhà tại Singapore.
Đi trước với định hướng phát triển bền vững, kế hoạch tổng thể về công trình thân thiện với môi trường lần thứ nhất và lần thứ hai đã được chính phủ quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á này giới thiệu lần lượt vào năm 2016 và 2019 nhằm khuyến khích các chủ đầu tư áp dụng những tiêu chuẩn mới trong những dự án xây dựng.
Do đó, nhiều nhà đầu tư và xây dựng của Singapore đã sớm áp dụng và đổi mới khi thiết kế dự án. Trong hai thập kỷ gần đây, ngày càng có nhiều tòa nhà tại Singapore được thiết kế theo tiểu chuẩn mới. Bên cạnh đó, những tòa nhà cũ cũng được tu sửa và nâng cấp dần để đáp ứng các mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, trong đó bao gồm giảm khí carbon, tối ưu hiệu suất khi sử dụng năng lượng điện và nước, sử dụng các vật liệu thay thế,… Để được quốc tế công nhận, các tòa nhà tại Singapore đã nhận được các chứng chỉ về Green Mark cũng như được chứng nhận bởi các cơ quan chức năng.
Khối lượng đầu tư vào các tòa nhà thân thiện với môi trường gia tăng
Để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững, chính phủ Singapore đã giới thiệu Kế hoạch Singapore Green Plan 2030, trong đó thiết lập các mục tiêu “phủ xanh” 80% tất cả các tòa nhà vào năm 2030 như một phần cam kết trong Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030 của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris.
Ở cấp độ nhỏ hơn, nhiều chủ đầu tư lớn của quốc gia này bao gồm City Developments, Frasers Property và Lendlease thận chí đã đặt ra mục tiêu không có bất kỳ dòng khí thải carbon nào trong các hoạt động xây dựng và kinh doanh.
Thị trường tài chính xanh đang phát triển tại Singapore
Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư cố gắng khai thác thị trường tài chính xanh, thứ đang phát triển mạnh mẽ tại Singapore để mở rộng sự tập trung của họ vào tính bền vững. Một số người đã thu lại kết quả khả quan khi nhận được mức chi phí vay dài hạn thấp hơn do các chuyên gia tài chính ngày càng có xu hướng cố định lãi suất cho vay dựa trên hiệu quả hoạt động của ESG.
Trong 4 năm qua, việc phát hành những khoản vay “Green loan” (các khoản vay hỗ trợ cho xây dựng những tòa nhà bền vững) trên thị trường bất động sản Singapore đã tăng hơn 8 lần, từ 785 triệu SGD vào năm 2017 lên 6,6 tỷ SGD vào năm 2020.
Sự kết hợp của các yếu tố thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tòa nhà bền vững
Việc ESG ngày càng chiếm vị trí quan trọng tại những chương trình nghị sự lớn trên thế giới, kết hợp cùng số lượng công trình thân thiện với môi trường ngày càng tăng và thị trường tài chính xanh đang phát triển sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư/mua bán bất động sản xanh tại Singapore.
theo CafeLand