Alomuabannhadat - Hiện nay, một số đối tượng lừa đảo lan truyền thông tin có thể có thể vay tín chấp tại ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) bằng các loại sim điện thoại như Viettel, Mobifone,...nhằm mục đích bán sim giá cao.
Cụ thể, lợi dụng một số tổ chức tín dụng đang triển khai hình thức cho vay tín chấp qua sim điện thoại và các khách hàng đang có nhu cầu vay bằng hình thức này nhưng sim không đủ điều kiện, các đối tượng này lập các website và các mạng xã hội như facebook, zalo,…nhằm tiếp cận để bán sim với giá từ 2-3 triệu đồng.
Đối tượng lừa đảo quảng cáo vay tín chấp bằng sim là hình thức vay dễ dàng nhất, chỉ cần sim điện thoại có thời hạn sử dụng từ 3-6 tháng kèm CMND, hộ khẩu là đã vay được tiền tại rất nhiều tổ chức tài chính, tín dụng, trong đó có Maritimebank.
Các đối tượng này cam đoan sẽ cung cấp sim đủ thời hạn, đạt điều kiện cho vay, giao hàng tận nhà và thu tiền tận nơi khi khách hàng có nhu cầu. Ngoài ra, khách hàng ngoại tỉnh khi muốn mua sim cũng chỉ cần chuyển khoản trước 50% và nhân viên bưu điện sẽ thu số tiền còn lại khi giao hàng. Để tạo niềm tin, chúng còn có bảng hướng dẫn kiểm tra sim và cam kết hoàn tiền nếu sim không đủ điều kiện.
Sau khi mua sim, khách hàng đến các quầy giao dịch để tiến hành các thủ tục vay nhưng không được chấp nhận vì sim không đạt điều kiện hoặc các tổ chức tín dụng không cung cấp dịch vụ này. Khách hàng cũng không thể liên lạc với các đối tượng cấp sim dưới mọi hình thức.
Theo đó, Maritimebank khuyến cáo, hiện ngân hàng này chưa có bất kỳ sự liên kết nào với mạng viễn thông Viettel để triển khai các sản phẩm vay tiền theo sim điện thoại.
Các khách hàng cũng nên tỉnh táo tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tiến hành vay như: các tổ chức áp dụng dịch vụ, thủ tục để thực hiện hồ sơ vay, xác suất được vay,…để tránh bị lừa. Đặc biệt, khách hàng không nên mua bán sim nhằm mục đích đi vay bởi hành vi này có thể được xem là lừa đảo.
Theo Luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội), “Luật Viễn thông năm 2009 nghiêm cấm hành vi sử dụng thông tin riêng (số thuê bao điện thoại) của người khác một cách trái phép. Trong Nghị định 174/2013/NĐ-CP cũng quy định, người sử dụng trái phép có thể bị xử phạt số tiền từ 10– 20 triệu đồng. Ngoài ra, tự tiện dùng số điện thoại của người khác trong giao kết hợp đồng, sau đó có tình lẩn trốn, không chịu trả nợ là có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nếu sử dụng công cụ tìm kiếm Google, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều website đang quảng cáo hình thức vay tín chấp đơn giản bằng sim điện thoại. Đa số các đường link đều dẫn tới công ty tài chính FE Credit và ngân hàng VPBank. Theo thông tin trên website chính của FE Credit thì khoản vay theo sim Viettel có thể lên tới 50%, thời gian giải ngân sau 12h, không cần thế chấp và lãi suất từ 1,4%-2,95%/tháng, nghĩa là lãi suất dao động từ 16,8%-35,4%/năm.
theo CafeLand