Chỉ trong nửa đầu năm nay, đã có đến 251 điều chỉnh chính sách nhà đất được đưa ra bởi các chính quyền địa phương tại Trung Quốc.
Vào tháng 2, các quan chức ở Tây An - thành phố quê hương của đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng - đã nới lỏng các quy định để người dân có thể được cấp giấy phép cư trú và mua bán nhà đất tại đây.
Tuy nhiên đến tháng 6, dữ liệu cho thấy giá nhà Tây An đã tăng 2% và dẫn đầu Trung Quốc, các quan chức liền đảo ngược quyết định của mình. Theo đó, những cư dân không phải người địa phương thì phải có ít nhất 5 năm đóng thuế hoặc bảo hiểm xã hội để được cấp phép mua bất động sản.
Chính phủ can thiệp sâu vào thị trường bất động sản
Việc thay đổi nhanh chóng và những quy định kỳ quái làm nổi bật hàng loạt chính sách đòn bẩy mà chính quyền Trung Quốc sẵn sàng sử dụng để làm xẹp những bong bóng nhà đất ngay trước khi nó phồng quá mức. Điều này nhằm duy trì ngành công nghiệp bất động sản.
Trong khi các quốc gia như Australia, Singapore hay Mỹ phải đối mặt với giá nhà tăng vọt cùng những hạn chế của người mua nước ngoài, thì việc thắt chặt hạn mức tín dụng cùng lãi suất cao hơn giúp chính phủ Trung Quốc dễ dàng điều chỉnh thị trường nhà ở.
Chính phủ Trung Quốc có thể can thiệp để kiểm soát bong bóng bất động sản. Ảnh: Bloomberg.
“Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ quốc gia nào khác có những hạn chế chi tiết và tỉ mỉ như vậy. Ở các nước khác, vấn đề của thị trường sẽ được sửa chữa bởi chính thị trường. Còn tại Trung Quốc, mọi vấn đề quan trọng đều do chính phủ quyết định, đặc biệt là thị trường bất động sản”, Chen Gong, nhà nghiên cứu tại công ty tư vấn Anbound ở Bắc Kinh, nhận xét.
Vì chính phủ có nhiều lựa chọn chính sách, không có gì đáng ngạc nhiên khi những nỗ lực của họ đều thành công, đơn cử như việc giữ bình ổn giá nhà tại các đô thị lớn nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, họ cũng đã phải đón nhận một số thất bại khi không đáp ứng được thị trường. Việc hạn chế cho vay để mua ngôi nhà thứ 2 vào năm 2014 đã dẫn đến việc ngân hàng trung ương giảm lãi suất đến 6 lần trong 12 tháng tiếp theo, đồng thời làm tăng giá nhà đến 50% trong năm 2016.
Một phương pháp phổ biến khác được chính quyền Trung Quốc áp dụng là cấm những ai không được sinh ra tại một thành phố mua nhà ở địa phương đó. Thậm chí họ còn đặt lệnh cấm cho những người độc thân, hay những người đã ly hôn.
Có những hạn chế bất động sản khác xoay quanh số lượng căn hộ được phép mua: một cặp vợ chồng địa phương được mua 2 căn, còn nếu họ không phải dân địa phương thì chỉ được mua một căn.
Một số hạn chế khác tập trung vào việc bán nhà. Chẳng hạn như tại khu công nghiệp Tô Châu tại thành phố Tô Châu - một thành phố nổi tiếng với các kênh đào, vườn cổ, nằm phía tây Thượng Hải - chủ sở hữu không được bán nhà trong vòng 5 năm tính từ lúc mua.
Vài hạn chế thậm chí tinh tế hơn, như việc chính phủ thông báo với các tập đoàn bất động sản rằng họ đang định giá các dự án mới quá cao hay thông báo với các ngân hàng rằng họ đang cung cấp các khoản thế chấp quá rẻ.
Bài học từ vết xe đổ của Nhật Bản
“Tất cả khởi nguồn từ sự khác biệt cơ bản giữa nền kinh tế thị trường tự do và nền kinh tế có kiểm soát. Ở Trung Quốc, chính phủ có thể trực tiếp cắt giảm nhu cầu của thị trường nếu thấy cần thiết”, Henry Chin, một nhà nghiên cứu tại tập đoàn đầu tư CBRE, nhận định.
Theo thống kê từ nhà phân tích Zhang Dawei, chỉ trong nửa đầu năm nay, đã có đến 251 điều chỉnh chính sách nhà đất được đưa ra bởi các chính quyền địa phương tại Trung Quốc.
“Không có sự tăng giá hay giảm giá đáng kể nào trên thị trường bất động sản”, Mao Shengyong, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia, phát biểu vào hôm 15/7 tại Bắc Kinh trong một cuộc họp báo.
Có đến 251 sự thay đổi trong chính sách nhà đất tại Trung Quốc trong nửa đầu 2019. Ảnh: SCMP.
Theo Bloomberg Intelligence, mục đích của những thay đổi chính sách này là tránh đi vào vết xe đổ của Nhật Bản, nơi đã để bong bóng bất động sản bùng phát và vỡ ra. Đây là điều tối quan trọng, bởi bất động sản chiếm trực tiếp 6% GDP của Trung Quốc, và có khả năng tăng lên 20% do ảnh hưởng rộng lớn của ngành công nghiệp này.
Bất động sản trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng có hiệu ứng lan tỏa, tác động lớn vào cảm xúc cũng như ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Việc sụt giảm tài sản, ngay cả trên giấy tờ, cũng có thể gây nên tình trạng bất ổn hàng loạt cho đất nước 1,4 tỷ dân.
“Ở Trung Quốc, khi người ta đủ giàu, họ sẽ đặt cược vào bất động sản vì đó là nơi an toàn nhất”, Henry Chin nói.
theo CafeLand