Alomuabannhadat – Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã quyết định khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) đối với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế đối với thép nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Trước đó, năm 2016, Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế CBPG là 31,73% và CTC là 1,19% đối với Hàn Quốc và CBPC 3,77% đối với Đài Loan.
Sản phẩm bị điều tra gồm một số sản phẩm thép thuộc các mã HS: 7210.30.00, 7210.41.00, 7210.49.00, 7210.61.00, 7210.69.00, 7210.70.60, 7210.90.60, 7210.90.90, 7212.20.00, 7212.30.10, 7212.30.30, 7212.30.50, 7212.40.10, 7212.40.50, 7212.50.00, 7212.60.00; và các mã HS: 7210.90.10, 7215.90.10, 7215.90.30, 7215.90.50, 7217.20.15, 7217.30.15, 7217.90.10, 7217.90.50, 7225.91.00, 7225.92.00, 7225.99.00, 7226.99.01, 7228.60.60, 7228.60.80, 7229.90.10.
Vụ việc xuất phát từ đơn kiện của các doanh nghiệp Nucor Corporation, ArcelorMittal USD LLC, United States Steel Corporation, California Steel Industries and Steel Dynamics từ ngày 12/6/2018.
Nguyên đơn cáo buộc rằng sau khi Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với CORE nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan năm 2015, lượng nhập khẩu thép CORE từ hai nước này vào Hoa Kỳ giảm đáng kể, trong khi đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng nhanh chóng.
Ngoài ra, nguyên đơn cho rằng Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Đài Loan và Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm bị điều tra và việc sản xuất này không được coi là “chuyển đổi đáng kể” do quá trình sản xuất tại Việt Nam chỉ thêm một phần nhỏ trong tổng giá trị sản phẩm thép CORE xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
DOC sẽ ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng (27/7).
theo CafeLand