Alomuabannhadat – Trong năm 2019, nhiều dự án hạ tầng giao thông trên cả nước được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giải tỏa áp lực giao thông, tăng trưởng kinh tế - xã hội của nhiều khu vực. Alomuabannhadat xin chọn ra năm dự án trọng điểm, đáng chú ý trong năm 2019.
Hầm Cù Mông
Ngày 21/1/2019, dự án hầm Cù Mông nối hai tỉnh Bình Định với Phú Yên đã được chính thức thông xe.
Được khởi công xây dựng từ năm 2015, dự án có tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng, do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư. Nguồn vốn thực hiện dự án được lấy từ nguồn tiết giảm của dự án hầm Đèo Cả.
Hầm Cù Mông gồm hai ống ngầm cách nhau khoảng 30m, mỗi ống rộng 10m, gồm hai làn ô tô với vận tốc thiết kế 80km/giờ.
Sau khi hoành thành, hầm Cù Mông giúp rút ngắn thời gian lưu thông qua đèo Cù Mông xuống chỉ còn hơn sáu phút. Trước đây, để đi qua hơn 7km đèo Cù Mông người dân phải mất hơn 30 phút vượt đèo với nhiều nguy hiểm.
Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn
Tuyến cao tốc có tổng vốn đầu tư lên đến 12.000 tỉ đồng này được chính thức đi vào sử dụng từ tháng 2/2019. Cao tốc có chiều dài 60km, có điểm đầu tại quốc lộ 18 thuộc phường Đại Yên, TP. Hạ Long và điểm cuối giao với trục chính vào sân bay Vân Đồn.
Dự án được đầu tư theo hình thức BOT. Phần lớn cao tốc Hạ Long – Vân Đồn trải dài trên các dãy núi đồi quanh co, tốc độ thiết kế đạt 100km/giờ, chiều rộng nền đường là 24,5m.
Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đi vào khai thác giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội – Vân Đồn xuồng còn chỉ còn khoảng 2,5 tiếng, thay vì 4 tiếng như trước đây.
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ mở rộng
Đầu năm 2019, dự án nâng cấp cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ lên thành sáu làn xe với tổng vốn đầu tư 6.731 tỉ đồng đã được đưa vào sử dụng.
Dự án này có chiều dài khoảng 29km, có điểm đầu tại nút giao Pháp Vân với đường Vành đai 3 (Hà Nội), điểm cuối nối tiếp với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Pháp Vân – Cầu Giẽ được nâng cấp mở rộng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải toả nút thắt giao thông ở cữa ngõ ra vào thành phố Hà Nội.
Cầu Vàm Cống
Ngày 19/5/2019, dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu dài 2,97km, đường dẫn dài 5,88km nằm trên địa phận huyện Lò Vấp (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) được khánh thành.
Dự án cầu Vàm Cống được khởi công từ tháng 9/2013, có quy mô bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, chiều rộng mặt cắt ngang cầu chính và cầu dẫn là 24,5m, được thiết kế với vận tốc 80km/giờ.
Đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, với tốc độ thiết kế đạt 80km/giờ.
Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 5.700 tỉ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cầu Vàm Cống có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn
Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 9/2019. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 12.200 tỉ đồng này có chiều dài 64km. Điểm đầu của dự án giao cắt với quốc lộ 1 tại xã Sao Mai, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn và điểm cuối nối với quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang.
Dự án được thiết kế rộng 25m, gồm bốn làn xe và hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100km/giờ.
Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sau khi được thông xe giúp rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội – Lạng Sơn chỉ còn 2,5 giờ. Trước đây, nếu đi bằng quốc lộ 1 thì người dân sẽ mất khoảng 3,5 giờ di chuyển.
theo CafeLand