Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN về quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng là người cư trú.
Dự thảo lần này nếu được thông qua sẽ là một bước hiện thực hóa chủ trương hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Ảnh: Thành Hoa
Dự thảo này có ba điểm mới liên quan đến vấn đề đô la hóa. Thứ nhất, cho vay ngắn hạn để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ cho nhu cầu trong nước thì được thực hiện đến hết ngày 31-3-2019. Thứ hai, cho vay trung, dài hạn để thanh toán nhập khẩu thì thực hiện đến hết ngày 30-9-2019. Thứ ba, cho vay ngắn hạn để thanh toán chi phí trong nước để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu thì không bị giới hạn về thời gian (trước đây thì quy định là đến hết ngày 31-12-2018).
Như vậy, dự thảo lần này nếu được thông qua sẽ là một bước hiện thực hóa chủ trương hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ của Chính phủ.
Dự thảo thông tư cần đặt ra mốc thời gian để tiến tới chấm dứt hoàn toàn cho vay bằng ngoại tệ, kể cả với doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu.
Cụ thể hơn, việc cho vay cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn để nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước - về nguyên tắc, là những hoạt động không được khuyến khích vì góp phần tạo thâm hụt thương mại, chèn lấn sản xuất trong nước, gây bất ổn vĩ mô - đã được chặn bằng các mốc thời gian khá gần (tối đa là ba và chín tháng tới, đến hết ngày 30-9-2019). Việc đặt ra các mốc thời gian trên có thể là để các doanh nghiệp nhập khẩu có thời gian thích nghi trước khi việc vay vốn để nhập khẩu cho tiêu dùng trong nước của họ bị chấm dứt hoàn toàn (nếu thông tư này không bị tiếp tục sửa đổi).
Tuy nhiên, mặt khác, việc không giới hạn về thời gian cho vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu về bản chất lại đang đi ngược chủ trương chống đô la hóa, và, quan trọng không kém, vẫn tạo ra rủi ro cho sự ổn định của tỷ giá.
Có lẽ do cách hiểu về thước đo đô la hóa ở Việt Nam chỉ là tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trong tổng tiền gửi cá nhân và tổ chức nên mới có quy định nới lỏng như trên. Cần giải thích thêm ở đây là thông tư quy định tiền vay ngoại tệ phải bán lại ngay cho ngân hàng cho vay. Với cách thức này, cơ quan chức năng quan niệm rằng ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng (nên không làm tăng tình trạng đô la hóa).
Thực ra, do mức độ đô la hóa rất khó đo lường trên thực tế nên người ta mới phải lấy thước đo tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trong tổng số tiền gửi trong nước để làm một chỉ số. Với thước đo này, khi người vay ngoại tệ buộc phải bán lại ngoại tệ vay được cho ngân hàng thì đúng là tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng không tăng tương ứng (vì người vay ngoại tệ không cầm được số ngoại tệ vay được này để gửi vào ngân hàng), do đó không làm tăng tình trạng đô la hóa.
Tuy nhiên, nếu đô la hóa được hiểu trên nghĩa rộng là ngoại tệ được sử dụng thay cho nội tệ trong các giao dịch trong nước thì bản thân việc cho phép ngân hàng cho vay bằng ngoại tệ cũng đã là một hình thức làm trầm trọng thêm nạn đô la hóa, vì giao dịch cho vay giữa ngân hàng và khách hàng đã thực sự diễn ra bằng ngoại tệ, còn tiền đồng thì bị gạt qua một bên.
Nếu chỉ dừng lại ở mặt câu chữ và ý nghĩa thì tình trạng đô la hóa như đề cập ở trên cũng chưa cho thấy có nguy hại, rủi ro gì. Nhưng hãy hình dung khi người vay không thu được số ngoại tệ đúng như kế hoạch vì những lý do khách quan (ví dụ, đơn hàng xuất khẩu bị ách tắc, hủy bỏ). Khi đến hạn thanh toán khoản vay ngân hàng bằng ngoại tệ, người vay sẽ buộc phải mua ngoại tệ để trả lại cho ngân hàng vì không có nguồn thu bằng ngoại tệ nữa. Điều này gây ra bất ổn về tỷ giá tương tự như khi ngân hàng cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vay để bán trong nước - là mục đích vay hiện nay không còn được phép nữa.
Sự bất ổn về tỷ giá này càng trở nên trầm trọng trong bối cảnh có căng thẳng về cung cầu ngoại tệ, làm cho doanh nghiệp xuất khẩu tìm mọi cách (lách) găm ngoại tệ lại để bán trong tương lai với tỷ giá cao hơn, còn hiện tại thì sẽ vay tiền đồng để mua ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn để tất toán khoản vay.
Do đó, nếu thực sự vì mục tiêu chống đô la hóa và, vì thế, giảm được rủi ro tỷ giá, tăng cường ổn định vĩ mô, thì dự thảo thông tư cũng cần đặt ra mốc thời gian để tiến tới chấm dứt hoàn toàn cho vay bằng ngoại tệ kể cả với doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu.
Tất nhiên là khi chấm dứt cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp xuất khẩu (thực chất đây là một hình thức trợ giá cho xuất khẩu) thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không còn được hưởng lợi so với các doanh nghiệp khác. Nhưng nếu muốn hỗ trợ các doanh nghiệp này thì có thể áp dụng hình thức cam kết cung ứng (bán) ngoại tệ đầy đủ và kịp thời cho nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của họ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong các thời điểm căng thẳng về tỷ giá. Và nếu Chính phủ muốn ưu đãi thêm nữa thì bán với tỷ giá ưu đãi.
Tất nhiên, đổi lại, điều kiện là các doanh nghiệp này phải đã và luôn bán ngoại tệ cho ngân hàng (trước đó). Nhưng lưu ý là làm gì thì làm, cần tránh khả năng bị nước khác cáo buộc chúng ta trợ giá cho xuất khẩu, gồm cho vay ngoại tệ với riêng doanh nghiệp xuất khẩu.
Hình thức chuyển từ cho vay sang bán ngoại tệ trên còn có thể áp dụng ngay với cả doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Với những doanh nghiệp này, việc bán ngoại tệ thay vì cho vay càng trở nên cần thiết vì xăng dầu đang (được kỳ vọng) ngày càng phản ánh đúng các điều kiện thị trường, gồm cả tỷ giá và chi phí tài chính (lãi vay).
theo CafeLand