Alomuabannhadat - Theo tổng kết của ngành ngân hàng, liên tục trong 3 năm trở lại đây, 31% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng đã được cắt giảm.
Theo báo cáo kết quả rà soát và phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tỷ lệ cắt giảm đạt 31% (cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện, trong đó cắt giảm 49 điều kiện).
Kinh doanh ngân hàng được coi là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm và có nhiều điều kiện kinh doanh đi kèm. Vì vậy, để cắt giảm các điều kiện kinh doanh với lĩnh vực này vừa có ưu điểm là giảm bớt thủ tục doanh nghiệp nhưng lại đứng trước thách thức, rủi ro trong buông lỏng.
Quá trình thực hiện cải cách hành chính từ năm 2010 đến nay, bao gồm: kết quả cắt giảm, đơn giản hóa 85% thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2016, 2017 theo Nghị quyết 19 của Chính phủ và hàng loạt các văn bản chủ động sửa đổi, bổ sung từ năm 2016, 2017. Kết quả trong 3 năm gần đây nhất về cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt tỷ lệ 31%.
Tiêu biểu về cải cách thể chế liên quan đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, là ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về cho vay của TCTD và Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Hai thông tư này được cho là cơ sở quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của TCTD, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đồng thời, nâng cao quyền tự chủ và minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay.
Các quy định về thủ tục cho vay đã được đơn giản hóa như: bỏ giấy đề nghị vay vốn của khách hàng trong hồ sơ vay vốn; đơn giản hóa yêu cầu về phương án sử dụng vốn vay trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống...
Đặc biệt, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước hoàn thành việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, thiết lập môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng lành mạnh.
Trong đó, bãi bỏ, sửa đổi một số điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, như thủ tục chấp thuận của NHNN khi tổ chức tín dụng thay đổi tên chi nhánh hoặc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước; bỏ thủ tục xác nhận đăng ký Điều lệ của tổ chức tín dụng...
theo CafeLand