Alomuabannhadat – Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng hay dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông… là những công trình hạ tầng gây nhiều chú ý trong năm qua.
“Đứng bánh” tuyến metro hơn 47.000 tỉ đồng
Từng được kỳ vọng rất nhiều nhưng tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang gây hoang mang cho dư luận bởi hàng loạt thông tin trái chiều gần đây. Dự án bị đội vốn đầu tư lên gấp đôi, xây dựng kéo dài 10 năm nhưng tiến độ chỉ đạt hơn 50%.
Kiểm toán Nhà nước trong một báo cáo gần đây cũng kết luận UBND TP.HCM đã điều chỉnh dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên mà chưa tuân thủ trình tự thủ tục và thông qua cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định.
Dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 17.388 tỉ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007, sau nâng lên hơn 47.325 tỉ đồng. Tuy nhiên, với mức vốn trên, dự án đã đã trở thành dự án trọng điểm quốc gia thì phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư.
Thanh tra TP.HCM cũng vừa có kết luận về việc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã có những sai sót và vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện gói thầu CP1a thuộc tuyến metro số 1.
Theo kết luận thanh tra, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã có những sai sót và vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện gói thầu trên, như điều chỉnh thiết kế kỹ thuật mà chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, tường vây đường hầm tuyến metro số 1 bị điều chỉnh độ dày từ 2m xuống còn 1,5m.
Trước đó, tuyến metro số 1 cũng được cho có nguy cơ dừng thi công khi TP.HCM chưa thanh toán khoản nợ lên đến 100 triệu USD cho các nhà thầu.
Được biết, tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km; gồm 2,6 km ngầm và 17,1 km trên cao. Tuyến có tổng cộng 14 ga, với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao; và depot Long Bình tại quận 9.
Tổng mức đầu tư dự kiến của toàn tuyến là hơn 47.325 tỉ đồng. Trong đó, hơn 41.833 tỉ đồng là vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA. Còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM.
Lùm xùm tại dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư. Dự án khởi công 6/2016 và dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2018. Tuy nhiên, dự án không về kịp tiến độ do gặp nhiều vướng mắc. Từ tháng 4/2018 dự án này đã ngưng thi công cho đến nay.
Vào tháng 9/2018, trong văn bản gửi UBND TP.HCM và Trung tâm chống ngập, ông Fernando Requena (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt, thuộc Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng) cho biết, quá trình thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (Trung Nam Group) xảy ra nhiều sai phạm.
Trong đó, hai cửa van tại cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô có thiết kế cơ sở là dùng thép không gỉ SUS 304 và thép S355 nhưng Tập đoàn Trung Nam sử dụng thép Q345B (tiêu chuẩn Trung Quốc) - có khả năng làm chi phí duy tu bảo dưỡng cao hơn. Đơn vị giám sát đã nhiều lần yêu cầu bên thi công tuân thủ đúng hợp đồng đã ký, hoặc muốn thay đổi vật liệu phải có sự chấp thuận của UBND TP HCM.
Ngoài ra, ở gói thầu cống kiểm soát triều Mương Chuối, Trung Nam Group đã thay đổi kết cấu so với bản vẽ thiết kế, chưa được thành phố phê duyệt.
Phản hồi lại, ông Trần Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group khẳng định Trung Nam Group không sai trong việc dùng thép Trung Quốc thay vì thép thép thuộc các nước G7 cho hạng mục cơ khí cửa van ở các cống kiểm soát triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng.
Ông Tiến cho rằng, thép mà Trung Nam Group sử dụng để thay thế thép ban đầu của dự án có chất lượng tương đương nhau. Tuy nhiên, vì luật xây dựng và thỏa thuận của hợp đồng dự án, chủ đầu tư có quyền giữ bí mật giá thành của loại thép đang sử dụng.
Đến nay, dự án có vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán chống ngập úng cho TP.HCM vẫn án binh bất động.
Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông
Sau nhiều năm “lận đận” từ đội vốn đến chậm tiến độ thì tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trước Tết Nguyên Đán 2019.
Tuyến đường sắt này dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).
Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỉ đồng).
Theo Ban quản lý dự án, khi đưa vào khai thác các đoàn tàu chạy giãn cách 10-12 phút mỗi chuyến và sẽ đạt 5 phút mỗi chuyến khi khai thác thương mại. Mỗi đoàn tàu có 4 toa dài khoảng 80 m, sức chứa lên đến 1.000 hành khách. Khi vận hành, tàu chạy tốc độ trung bình là 30-35 km mỗi giờ mặc dù có tốc độ thiết kế 65 km/h. Thời gian đi từ điểm đầu đến điểm cuối hết khoảng 30 phút.
Cao tốc 12.000 tỉ sắp được thông xe
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 54 km, điểm đầu Km0+000 tại nút giao Minh Khai giữa cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Quốc lộ 18, thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long; điểm cuối là Km59+456 - giao với tuyến đường trục chính nối các khu chức năng chính Khu kinh tế Vân Đồn, thuộc xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Tốc độ thiết kế 100 km/h với chiều rộng 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 24,5 m.
Dự án có tổng mức đầu tư 12.000 tỉ đồng do Công ty cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 9/2015, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 12/2017 nhưng đã bị chậm tiến độ một thời gian.
Mới đây, chủ đầu tư cao tốc Hạ Long – Vân Đồn cho biết dự án đã hoàn thiện tất cả các hạng mục để tiến hành thông xe vào 30/12/2018.
theo CafeLand