Alomuabannhadat - Cùng với sự sụt giảm chung của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu NVL của Công ty CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) đã mất hơn 20% chỉ trong 3 phiên giao dịch gần đây. Mức sụt giảm này đã xóa đi thành tích 4 tháng tăng mạnh của cổ phiếu này. Một thông tin không mấy tích cực khác là lợi nhuận quý 1/2018 trong báo cáo hợp nhất của Novaland chỉ đạt 128 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa
Trong bối cảnh đó, giới đầu tư càng thêm chú ý khi Novaland cho hay đã huy động được 310 triệu USD trái phiếu trên thị trường quốc tế, trong đó có tới 150 triệu USD là trái phiếu chuyển đổi với mức giá chuyển đổi lên tới 74.750 VND/cổ phần, cao hơn gần 30% so với giá cổ phiếu này vào ngày 02/05/2018.
Kỳ tích
Chỉ thực sự kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản trong 10 năm trở lại đây, Novaland đã trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản, vượt qua nhiều doanh nghiệp tên tuổi có thâm niên hàng chục năm. Hiện Novaland đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với hơn 40 công ty con và hàng trăm dự án lớn nhỏ. Sự phát triển của Novaland có thể xem là một thành tích hiếm có trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2007, Novaland mới chính thức đi vào hoạt động với số vốn điều lệ vỏn vẹn có 95,3 tỷ đồng. Tuy vậy, chỉ 2 năm sau đó công ty này đã tăng vốn lên đến 1.200 tỷ đồng và thành công với dự án “siêu khủng” Sunrise City. Bước tiếp đà thành công này, Novaland đã liên tục thực hiện chiến lược M&A các dự án khác và nhanh chóng phát triển thành một tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn mạnh. Giờ đây Novaland đã trở thành một thương hiệu lớn trong phân khúc bất động sản trung cao cấp.
Cùng với sự mở rộng về quy mô kinh doanh thì vốn của Novaland cũng tăng lên nhanh chóng. Chỉ từ năm 2014 đến nay, công ty này đã trải qua hàng chục lần tăng vốn điều lệ. Hiện Novaland có vốn điều lệ lên lên tới 8.549 tỷ đồng và trở thành một trong những công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam. Cùng với quá trình tăng vốn điều lệ, tổng tài sản của công ty này cũng có tốc độ tăng “chóng mặt”. Chỉ trong vòng 3 năm vừa qua, tổng tài sản Novaland đã tăng 3 lần và hiện đang ở mức hơn 50.000 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn của Novaland
Nguồn: Báo cáo tài chính NVL
Về kết quả kinh doanh thì doanh nghiệp này cũng đã đạt được thành tích vô cùng ấn tượng. Từ mức doanh thu chỉ có chưa đến 3.000 tỷ đồng năm 2014, tương ứng mức lợi nhuận 93 tỷ đồng thì đến năm 2017, tập đoàn này đã có doanh thu lên tới 11.632 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận đạt 2.033 tỷ đồng.
Gánh nặng nợ
Để đạt được mức tăng trưởng đó thì bên cạnh việc gia tăng vốn điều lệ, Novaland cũng phải không ngừng vay nợ. Trong bối cảnh thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh như những năm vừa qua, thì đòn bẩy nợ như một lực đẩy mạnh mẽ giúp doanh nghiệp này có những bước tiến xa. Tuy nhiên, đòn bẩy nợ ngày càng cao cũng là một gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ của Novaland thì tính đến cuối quý 1/2018, nợ vay ngắn hạn của công ty lên tới 6.778 tỷ đồng, nợ vay dài hạn lên tới 7.902 tỷ đồng. Tổng số nợ vay của công ty mẹ gần bằng 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty. Trên báo cáo tài chính hợp nhất thì cuối quý 1/2018, tổng nợ vay của Tập đoàn này cũng lên tới 18.732 tỷ đồng, cao gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu.
Dù mức nợ lớn nhưng xem ra tình hình tài chính của Novaland cũng khá lành mạnh. Tổng hàng tồn kho của Tập đoàn lên tới 28.605 tỷ đồng, đây là một con số khá lớn tuy nhiên cũng có hơn 1/3 số hàng tồn kho này đã bán cho khách hàng. Thật vậy, con số này thể hiện rõ trong khoản mục người mua trả tiền trước lên tới 10.401 tỷ đồng.
Tình trạng “nợ nần chồng chất” của Novaland cũng được giải tỏa thêm phần nào khi mới đây công ty đã huy động thành công 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi và đã được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Điều đặc biệt là mức giá chuyển đổi lượng trái phiếu này đã được xác định là 74.750 VND/cổ phần, cao hơn 30% so với giá cổ phiếu Novaland hiện tại. Trước đó, Novaland cũng huy động thành công 150 triệu USD từ việc phát hành cổ phần theo dạng top-up, nâng tổng số vốn huy động được lên 310 triệu USD.
Việc Novaland huy động thành công trái phiếu chuyển đổi đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của doanh nghiệp này. Nhờ lượng tiền huy động tương đương gần 7.000 tỷ đồng, Novaland có thể giảm bớt phần nào gánh nặng nợ nần và có nguồn vốn để đầu tư dự án mới.
Kết quả kinh doanh Novaland
Nguồn: Báo cáo tài chính NVL
Dù đạt được thành tích cao, song nguồn gốc lợi nhuận của Novaland cũng là một vấn đề rất đáng lưu tâm. Lợi nhuận của công ty mẹ trong những năm qua đạt được khá thấp, chẳng hạn năm 2016 đạt 857 tỷ đồng, năm 2017 chỉ đạt 421 tỷ đồng, quý 1 năm 2018 đạt 98 tỷ đồng. Lợi nhuận “khủng” của Novaland trong báo cáo tài chính hợp nhất đến 1 phần không nhỏ từ việc có được từ “lợi thế thương mại” khi hợp nhất các công ty con.
Do đó lợi nhuận thực sự của Novaland vẫn đang ở “thì tương lai”. Bên cạnh đó gánh nặng tài chính của Novaland cũng là vấn đề rất lớn. Mỗi năm công ty mẹ phải trả hơn 1.500 tỷ đồng chi phí lãi vay. Với gánh nặng tài chính đó nếu thị trường bất động sản không thuận lợi thì Novaland sẽ gặp rất nhiều bất lợi.
theo CafeLand