Alomuabannhadat - Lượng phát hành tháng 2 thu hẹp, chỉ bằng 41% lượng phát hành trong tháng 1/2020 dù số ngày làm việc nhiều hơn do tháng 1 có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, theo SSI Research.
“Sự sụt giảm này phần nào phản ánh ảnh hưởng của dịch bệnh đến kế hoạch tài chính của doanh nghiệp”, SSI nhận định.
Nguồn: HNX, SSI tổng hợp
Cụ thể, trong tháng 2/2020 có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành là 5.574 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản phát hành 4.025 tỷ đồng, chiếm 72% lượng phát hành trong tháng.
Tổ chức phát hành nhiều nhất trong tháng 2 là Công ty CP phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam với 1.943 tỷ đồng trái phiếu 5 năm chia làm 40 lô phát hành. Trước đó, trong tháng 1/2020, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 1.441 tỷ đồng trái phiếu 3 năm chia làm 30 lô. Toàn bộ đều có lãi suất cố định là 10,9%/năm và bên mua các cá nhân trong nước.
Lãi suất bình quân các lô phát hành trái phiếu bất động sản trong tháng 2 là 11%/năm, giảm so với mức bình quân 11,73% của tháng 1/2020. Trong đó, lô phát hành có lãi suất cao nhất (12%/năm) là 50 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ánh Dương.
Tính trong 2 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 11.639 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 60% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp.
Nhóm doanh nghiệp khác phát hành 6.001 tỷ đồng, chiếm 31%. Bao gồm Sovico phát hành 2.000 tỷ đồng, Công ty CP ô tô Trường Hải phát hành 2.000 tỷ đồng, Vinfast phát hành 950 tỷ đồng… Chỉ có 2 Ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu là ACB (230 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm) và TPB (552 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm) đều là các trái phiếu đủ tiêu chuẩn tính vào vốn cấp 2.
Các nhà đầu tư cá nhân mua 2.572 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 2, lũy kế 2 tháng 2020 mua 4.926 tỷ đồng. Trong đó mua trái phiếu bất động sản là 4.115 tỷ đồng. Các ngân hàng VPB, MBB, TPB, TCB mua vào 2.738 tỷ đồng; Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương mua 675 tỷ đồng trái phiếu Vinfast; còn lại ghi chung chung là nhà đầu tư tổ chức.
theo CafeLand