Alomuabannhadat - Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank) vừa gửi đi thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá một loạt các tài sản tại TP. HCM, là những món nợ trước đây còn tồn tại từ thời PVFC.
Tài sản sẽ được đấu giá trong thời gian tới của PVcomBank gồm: 1 mảnh đất, diện tích sử dụng 212,9 m2 tại phường Tân Phú, quận 7, TP. HCM. Giá khởi điểm là 21,677 tỷ đồng.
Tài sản thứ 2, thứ 3 là 160 m2 và 100 m2 đất ở tại phường Thạch Mỹ Lợi, quận 2, TP. HCM. Giá khởi điểm lần lượt là 10,686 tỷ đồng và 6,952 tỷ đồng.
Tài sản thứ 4 và thứ 5 là 149 m2 và 100 m2 đất ở tại khu tái định cư 50ha Cát Lái, phường Cát Lái, quận 2, TP. HCM. Giá khởi khởi điểm lần lượt là 5,144 tỷ đồng và 4,211 tỷ đồng.
Như vậy, giá trị tài sản bảo đảm lần này PVcomBank bán đấu giá thành công số tiền thu về tối thiểu sẽ là 50 tỷ đồng. Đáng chú ý tất cả số tài sản đảm bảo trên đều thuộc quyền sở hữu của ông Phạm Văn Đức và bà Vũ Minh Phượng. Đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay từ năm 2012 thuộc sở hữu của PVFC khi còn chưa hợp nhất.
Gần đây hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm xử lý dứt điểm nợ xấu bằng nỗ lực bán đấu giá các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính thì quá trình này còn chậm, dù đã có sự hậu thuẫn từ Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu. Bản thân từ phía ngân hàng cũng nhận thấy một số bất cập còn tồn tại.
Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) từng chia sẻ, có thể thấy do quy định pháp luật về các ngành, lĩnh vực khác nhau còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc nếu áp dụng ở lĩnh vực này thì đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện, nhưng ở lĩnh vực khác lại vướng.
Đơn cử như trường hợp Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã quy định khi xử lý tài sản bảo đảm thì tiền thu được từ bán tài sản bảo đảm sẽ được bên nhận bảo đảm thu trước, nếu còn thì mới sử dụng để nộp thuế; tuy nhiên trên thực tế các cơ quan thuế vẫn thu thuế trước. Hệ quả của việc này là khi làm thủ tục sang tên cho người mua, các bên vẫn phải nộp thuế mới được ghi nhận quyền sở hữu tài sản, ông Hưng lấy ví dụ.
Hoặc pháp luật đã cho phép ngân hàng tự xử lý tài sản bảo đảm, nhưng do các cơ quan chức năng vẫn quen xử lý các giao dịch chủ sở hữu tài sản mua bán, chuyển nhượng với bên mua, nên khi ngân hàng là bên bán/chuyển nhượng thì cơ quan chức năng không đồng ý. Theo ông Hưng, thực trạng này làm cho quá trình ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm rất vướng mắc bởi kể cả khi đã bán đấu giá tài sản, bên mua vẫn không hoàn thành được thủ tục sang tên và ngân hàng vẫn phải tham gia vào quá trình xử lý mà không thu được nợ.
theo CafeLand