Tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2005, được phê duyệt quy hoạch chi tiết trong mạng lưới đường bộ cao tốc Bắc - Nam vào năm 2010. Tuyến có lưu lượng xe hàng đầu hiện nay và kết nối khu vực ĐBSCL với trung tâm kinh tế lớn TPHCM. Vì vậy, việc đẩy nhanh thực hiện nhằm sớm thông xe toàn tuyến là nhu cầu cấp bách.
Tiến độ quá chậm
Tháng 2-2010, Bộ GTVT tổ chức thông xe tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương nhằm giải quyết tình trạng quá tải xe trên Quốc lộ 1A. Cao tốc này có chiều dài 40km, vận tốc thiết kế 120km/giờ, với 4 làn xe, đáp ứng khoảng 50.000 lượt ô tô qua lại mỗi ngày, đồng thời rút ngắn thời gian đi từ Tiền Giang lên TPHCM từ 90 phút giảm còn hơn 30 phút.
Sau hơn 9 năm khai thác, đầu năm 2019, cao tốc TPHCM - Trung Lương dừng thu phí do hết hợp đồng, dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông khi nhiều xe dồn về cao tốc này, thường xuyên gây ùn tắc, mặt đường bị xuống cấp do không có nguồn kinh phí bảo trì…
Trong khi đó, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài khoảng 51km, được khởi công lần 1 vào năm 2009. Thế nhưng, do nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, sau 10 năm thực hiện dự án vẫn ì ạch và có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng BOT.
Trước tình thế này, tháng 3- 2019, các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia, nhằm tăng cường năng lực quản trị, điều hành dự án. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các vướng mắc của dự án cơ bản được giải quyết.
Đến nay, dự án được điều chỉnh đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng. UBND tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương giải phóng mặt bằng để các gói thầu được thực hiện đồng loạt, nhằm đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021. Như vậy, sau khi hoàn thành, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ góp phần quan trọng giảm ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa phận Tiền Giang. Song vẫn còn cái khó khi dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 23km chưa xong.
Nói về dự án này, ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ phần lớn đi qua địa phận của Vĩnh Long. Đến nay tỉnh đã thành lập xong Ban giải phóng mặt bằng, hội đồng đền bù và đã tổ chức họp 2 lần nhằm sẵn sàng thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ GTVT chưa bàn giao cắm mốc, thiết kế, các tim, tuyến… nên địa phương chưa thể xúc tiến công tác giải phóng mặt bằng được. Gần đây, theo thông tin từ Bộ GTVT dự kiến tháng 4 tới sẽ xong phần bản vẽ, có thể quý IV khởi công và nỗ lực hoàn thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cùng lúc hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2…”.
Rút ngắn quá trình chọn nhà đầu tư
Cuối tháng 2-2020, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) triển khai gói thầu xây lắp 01, thi công đường dẫn phía Tiền Giang thuộc “Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu”, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 5.003 tỷ đồng. Điểm phía Tiền Giang sẽ đấu nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao xã An Thái Trung (huyện Cái Bè); điểm phía Vĩnh Long đấu nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ ở nút giao Quốc lộ 80 (thuộc TP Vĩnh Long).
Tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61km; trong đó phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7km, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Đối với phần cầu chính (cầu Mỹ Thuận 2) dài 1,9km được đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Riêng dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào năm 2017, với tổng mức đầu tư khoảng 5.370 tỷ đồng. Trên cơ sở này, năm 2018 Bộ GTVT tổ chức sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, do có thay đổi về chủ trương hỗ trợ của Nhà nước để phù hợp quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, sau đó Bộ GTVT hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và điều chỉnh lại dự án. Tháng 10-2019, Bộ GTVT phê duyệt báo cáo điều chỉnh dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với tổng mức đầu tư từ 5.370 tỷ đồng xuống 4.758 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án 932 tỷ đồng.
Như vậy, sau 2 năm dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn chưa chọn được nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng cũng chưa thực hiện. Như vậy, với các phần việc sơ tuyển, đấu thầu nhà đầu tư, đàm phán ký hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng, hoàn thiện thủ tục giải ngân vốn ngân sách, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công… cần tối thiểu phải 41 tháng, có nghĩa dự án không thể khởi công vào quý I-2020 như dự định. Việc chưa triển khai thi công kịp thời dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ dẫn đến những khó khăn, bởi không thể khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng quy định “lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt” theo Điều 26 Luật Đấu thầu, nhằm rút ngắn quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 sớm hoàn thành.
Có như vậy mới phát huy hiệu quả kịp thời toàn tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ. Ngoài ra, sớm xem xét tổ chức thu phí lại cao tốc TPHCM - Trung Lương, nhằm tạo nguồn ngân sách để duy tu, bảo trì, tái đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông…
Tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ là xương sống trong mạng lưới giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL. Việc hoàn thiện và thông toàn tuyến có ý nghĩa lớn trong giảm ùn tắc giao thông, chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực để ĐBSCL tăng tốc…
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI
|
theo CafeLand