Alomuabannhadat - Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Một trong những nội dung sửa đổi so với Thông tư 36 trước đó là thay đổi quy định về hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản.
Theo dự thảo này, hệ số rủi ro mà các nhà băng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng sẽ là 150%.
Trong phần giải trình, Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định này thể hiện thông điệp của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp, gián tiếp yêu cầu các nhà băng dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời kiểm soát dư nợ cho vay cá nhân để phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản ở phân khúc cao cấp. Quy định này ít ảnh hưởng đến các nhà băng có năng lực tài chính tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao.
Đồng thời, quy định về tăng hệ số rủi ro này là một thông điệp để tạo động lực cho các ngân hàng sớm chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuân thủ Thông tư 41 kể từ ngày 01/01/2020.
Cũng theo các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo theo 2 phương án.
Phương án 1, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đến hết 30/6/2020 là 40%. Từ 1/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35% và từ sau 1/7/2021 là 30%.
Phương án 2, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến 30/6/2020 và giảm còn 37% từ 1/7/2020 đến 30/6/2021. Sau đó, từ 1/7/2021 đến 30/6/2022, tỷ lệ này hạ xuống mức 34%, từ 1/7/2022 giảm xuống 30%.
Được biết, hiện nay tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đang ở mức 40%.
theo CafeLand