Alomuabannhadat – Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính từ ngày 1/8/2020 (ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực) đến đầu tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường EU tăng vọt, đạt gần 4,8 tỷ USD.
Theo đó, đến đầu tháng 4, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) đã cấp gần 127.300 bộ C/O. Số này chưa gồm trị giá hàng hóa sang EU của các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ.
Hàng hóa xuất sang EU chủ yếu là thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.
EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD. Theo cam kết, gần 100% các dòng thuế theo lộ trình 7 - 10 năm, số ít dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%.
EU cũng chính là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu đạt 43,7 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng đang có dư địa tăng trưởng cao nhờ ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Trong quý 1/2021, xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt hơn 9,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Không chỉ EVFTA, các FTA khác cũng đang góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Theo cơ quan quản lý xuất nhập khẩuTổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32% -34%/năm.
Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... Năm 2020, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD.
theo CafeLand