Alomuabannhadat - Trên đây là nhận định chung được đưa ra trong hai báo cáo kinh tế vĩ mô gần đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) và Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC).
Doanh nghiệp giải thể tăng, việc làm mới giảm
Cụ thể, theo cập nhật tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm của NFSC, tính chung 6 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 5,3% và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2017. Đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ 2017 (39,3% so với 21,8%), và số doanh nghiệp giải thể cũng tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 giảm 1,2%).
Nhận định và lưu ý trên của NFSC trùng với nhận định của VERP trong báo cáo kinh tế Việt Nam quý 2/2018 vừa công bố. Cụ thể, VERP cho biết số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý 2 tăng lên bất thường, kéo theo đó là số việc làm mới suy giảm.
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm 2018 chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước là 5,3% lên mức 64.531 doanh nghiệp. Tổng số vốn tăng ký tăng 8,9% đạt 649.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, quý 2 chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017, tăng tới 75,7% (31.668 so với 18.039 doanh nghiệp). Tính chung nửa đầu năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.803 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo quan sát của VERP, giống với quý 1, quy mô việc làm tạo mới trong quý 2 tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số 283,1 nghìn việc làm mới được tạo thêm trong quý 2/2018, thấp hơn tới 15,7% so với quý 2/2017. Số việc làm tạo mới giảm đi trong khi kinh tế vẫn tăng trưởng tích cực tiếp tục đặt dấu hỏi về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Công nghệ cao chưa vào, việc làm đã mất đi
Nhận định về những con số trên, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại: “Ở các quốc gia phát triển trên thế giới, con số việc làm mới, thất nghiệp đặc biệt được lưu tâm và luôn là một trong những chỉ số hàng đầu để kiểm đếm sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, con số này lại không thật sự trước coi trọng ở Việt Nam”.
Bà Lan cho rằng, bấy lâu nay chúng ta vẫn tưởng rằng số doanh nghiệp đăng ký mới, số vốn đăng ký mới sẽ bù đắp được số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thế. “Tuy nhiên, với nhiều năm kinh nghiệm theo dõi doanh nghiệp tại VCCI, tôi thấy rằng hiểu như thế là chưa đầy đủ”.
Cụ thể, việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, cùng với đó kéo theo số việc làm mất đi là có thật. Còn số doanh nghiệp mới đăng ký thì mới chỉ là nằm trên con số, giấy tờ. Để họ đi vào hoạt động còn phải mất nhiều thời gian, để họ đầu tư vốn, tuyển dụng rồi mới đi vào hoạt động được.
Theo bà Lan, cần có sự quan tâm đúng mức hơn với con số việc làm tạo mới, đặc biệt ở thời điểm này, khi số việc làm mới đang suy giảm, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng đột biến. “Việt Nam chúng ta thường tự hào về chỉ số việc làm rất tốt, vì thế hiện tượng việc làm mới suy giảm là đáng được cảnh báo cho tương lại”, bà Lan chỉ ra.
Trong một cảnh báo mới đây của các tổ chức quốc tế, “lao động giá rẻ trong các ngành gia công của Việt Nam 10 năm tới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp khi bị công nghệ cao thay thế”.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại khi công nghệ cao còn chưa vào mà ở Việt Nam số việc làm đã giảm sút là một điều đáng quan ngại.
Lý giải cho vấn đề này, bà Lan cho rằng, cũng hợp quy luật, bởi chúng ta từng phát triển mạnh công nghiệp may mặc, da giầy, tận dụng nhân công nữ giá rẻ cách đây khoảng 20 năm. Những ngành này chỉ sử dụng lao động tới khoảng 35-40 tuổi. Nên đây chính là thời điểm đội ngũ lao động nữ này buộc phải nghỉ việc.
“Thực tế trên tạo ra một đội ngũ mà trong xã hội vẫn gọi họ với biệt danh “4 không” là không nghề nghiệp, không thu nhập, không tiền bạc tích luỹ và không tương lai”, bà Lan nói.
theo CafeLand