Sốt ruột với địa ốc Alibaba

Alomuabannhadat - Alibaba là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làng địa ốc thời gian vừa qua. Những vụ cưỡng chế, những buổi bị cơ quan chức năng mời lên làm việc dường như chưa đủ mạnh để khiến cho người đứng đầu công ty này, ông Nguyễn Thái Luyện, dừng lại những việc ông đang làm.

Trên website chính thức của công ty này, CEO Nguyễn Thái Luyện vẫn phát biểu với vẻ đầy thách thức: Ba năm cùng ba lần trải qua khủng hoảng truyền thông với hơn 1.600 bài viết tiêu cực, địa ốc Alibaba vẫn tồn tại và phát triển đến bây giờ. Địa ốc Alibaba làm sai hay có ai chống lưng thì đã không thể ngồi yên và hàng ngàn khách hàng đã không hợp tác với tập đoàn.”

Bộ Công An vào cuộc, điều tra hoạt động của Alibaba, nhưng đến nay chưa có kết luận cụ thể nào. Vin vào đó, ông Luyện ngày càng lộng ngôn và xem thường pháp luật.

Như thường lệ, ngày 15-7 vừa qua, ông Luyện lại tiếp tục đăng đàn, phát biểu trên kênh truyền thông YouTube, rằng “đất nền sinh lợi 100 lần…”. Ông còn khoe nội dung đã làm việc với Bộ Công An trước đó, rằng “Bộ Công An có hỏi tôi, địa ốc Alibaba có bao nhiêu đất xung quanh khu vực sân bay Long Thành?”, “Tôi trả lời, phải hơn 75 héc ta (ha)”…

Ông Luyện đang sử dụng triệt để kênh truyền thông YouTube để đăng tải thông tin các dự án, những buổi chia sẻ với nhân viên, thậm chí nhục mạ cả lực lượng công quyền. Alibaba còn lập hẳn một công ty truyền thông riêng, Công ty cổ phần truyền thông Ali, để xuất bản các nội dung “chống trả” lại dư luận chính thống, trấn an nhân viên và khách hàng bằng những lập luận mà nhiều người cho là đang bẻ cong sự thật.

Không ít người đặt câu hỏi tại sao một công ty vướng vào nhiều vụ lùm xùm như vậy mà vẫn ngang nhiên hoạt động như không có chuyện gì xảy ra? Phải chăng cơ quan chức năng thiếu kiên quyết xử lý?

Có người cho rằng tại sao cơ quan chức năng không yêu cầu YouTube gỡ bỏ hay xóa kênh truyền thông của doanh nghiệp này khi đăng tải những thông tin sai lệch, đánh tráo khái niệm vô cùng độc hại đối với người xem? Chưa biết sắp tới câu chuyện Alibaba sẽ như thế nào, nhưng lúc này ông Luyện vẫn cứ đăng đàn lộng ngôn, chống trả quyết liệt với cơ quan truyền thông chính thống và dư luận xã hội.

Cũng thông qua YouTube, Alibaba đang “tố cáo” một phóng viên gạo cội của một tờ báo lớn vì đã dám mổ xẻ sự thật trần trụi về công ty này. Chưa biết ai đúng, ai sai, nhưng theo ông Luyện, báo chí càng đưa tin rầm rộ, Alibaba càng nổi tiếng theo kiểu “PR nghịch”. Nghĩa là, dư luận và báo chí tha hồ mổ xẻ, chỉ trích công ty, Alibaba đến nay vẫn không hề hấn gì, thậm chí vẫn phát triển tốt.

Tới thời điểm này, cụm từ “đa cấp bất động sản” không còn xa lạ gì với mọi người. Với Alibaba, mô hình Ponzi bất động sản khá thành công! Thành công vì đã thu hút nhiều nhà đầu tư với số vốn huy động cả nghìn tỉ đồng từ năm 2017 đến nay mà vẫn “bình yên, vô sự”.

Đã có nhiều bài phân tích chỉ ra rằng, chiêu trò Ponzi về nguyên tắc không thể kéo dài mãi vì lượng tiền và giá trị sinh lời có giới hạn. Khi giới hạn này mất đi, đổ bể sẽ xảy ra và những hệ lụy kéo theo sẽ không hề nhỏ. 

Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Văn Lộc, luật sư điều hành Công ty Luật LPVN, cho rằng khi Alibaba triển khai dự án, họ không nhân danh chính chủ đầu tư, cũng không phải nhà môi giới, mà nhận ủy quyền thực hiện từ cá nhân là chủ đất. Vai trò của Alibaba cũng không phải là nhà phát triển bất động sản, cũng không phải nhà môi giới mà ở đây là vai trò ủy quyền (ủy quyền dân sự) để được kinh doanh.

Cần lưu ý rằng, bất động sản là sản phẩm đặc thù. Pháp luật nghiêm cấm kinh doanh đa cấp bất động sản dưới mọi hình thức. Hiện nay, Alibaba đang huy động vốn (dưới hình thức góp vốn) từ các nhà đầu tư để đầu tư vào sản phẩm bất động sản mà họ không phải là nhà đầu tư hay nhà phát triển dự án.

Nói cách khác, Alibaba huy động vốn của nhà đầu tư để đầu tư vào một sản phẩm không phải của họ (về mặt pháp lý), và sản phẩm ấy hoàn toàn không đủ điều kiện để lập dự án đầu tư và kinh doanh bất động sản. Vấn đề là hiện nay vẫn có những người tin vào những lời hứa hão huyền ấy.

Dư luận đang trông chờ kết luận của cơ quan chức năng để trả lời cho các câu hỏi: việc Alibaba huy động vốn của các nhà đầu tư để đầu tư vào những “dự án” không được pháp luật công nhận thì có sai luật không, có vi phạm pháp luật không? Alibaba huy động vốn các nhà đầu tư dưới hình thức cam kết lãi cao, trong khi bất động sản của họ trên thực tế không có khả năng sinh lãi như vậy có phải là huy động vốn theo hình thức Ponzi - kinh doanh đa cấp hay không?

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất