So sánh quốc tế cho thấy với suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành là tương đương với suất đầu tư các cảng hàng không lớn trên thế giới...
Phối cảnh một góc sân bay Long Thành - Ảnh từ báo cáo nghiên cứu khả thi
So sánh quốc tế cho thấy với suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành là tương đương với suất đầu tư các cảng hàng không lớn trên thế giới.
Chính phủ đã khẳng định như trên tại báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) giai đoạn 1.
Cần so sánh để thấy sự hợp lý
Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án này đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, tại hội trường và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Qua đó, có đại biểu đề nghị cần cung cấp suất đầu tư của các sân bay có quy mô tương đương để so sánh cho thấy sự hợp lý.
Đại biểu cho rằng Chính phủ nên tiếp tục tham khảo, nghiên cứu kỹ ý kiến các chuyên gia trong nước và nước ngoài vì theo một số chuyên gia thì diện tích sân bay Long Thành với số lượng hành khách dự kiến quá lớn và suất đầu tư quá cao.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) nêu con số so sánh: Sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) có tổng đầu tư 5 tỷ USD vào năm 2006 cho 100 triệu hành khách/năm (bình quân là 50 triệu USD cho 1 triệu hành khách). Sân bay Sydney ở Australia có công suất 82 triệu hành khách được đầu tư là 3,8 tỷ USD cho 10 năm tới.
Ý kiến khác đề nghị cần so sánh tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành với 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng - Bắc Kinh, diện tích 4.700 ha tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng công suất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư 11,5 tỷ USD; sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư 12 tỷ USD.
Tại báo cáo, Chính phủ thêm một lần khẳng định, tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là111.689,6 tỷ đồng, tương đương với 4,779 tỷ USD. Phạm vi lập tổng mức đầu tư đã bao gồm đầy đủ các hạng mục công trình đồng bộ đảm bảo cho việc phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm theo quy mô đầu tư giai đoạn 1 bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng hai tuyến đường giao thông kết nối số 1 và số 2.
Khi hoàn thành cả 3 giai đoạn đầu tư sân bay Long Thành sẽ bao gồm 4 đường cất hạ cánh (tức 2 cặp đường cất hạ cánh, chứ không phải 2 đường cất hạ cánh), 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo khả năng phục vụ công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hoá/năm.
So sánh quốc tế cho thấy với suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách của sân bay Long Thành là tương đương với suất đầu tư các cảng hàng không lớn trên thế giới.
Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế Đại Hưng - Trung Quốc (xây dựng năm 2014 vận hành khai thác từ tháng 9/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD (tại thời điểm hoàn thành), công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách.
Cảng hàng không quốc tế Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ (xây dựng năm 2015 vận hành khai thác năm 2018) có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 13,33 tỷ USD/100 triệu hành khách (tính tại thời điểm 2015, do đó tính trượt giá đến thời điểm hiện nay là khoảng 14,59 tỷ USD/100 triệu hành khách).
So sánh chỉ mang tính tham khảo
Chính phủ cũng giải thích, riêng đối với giai đoạn 1, quy mô gồm 1 nhà ga hành khách, 1 đường cất hạ cánh và các hạng mục công trình phụ trợ đáp ứng công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hoá với các giải pháp xây dựng và công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn hiện đại của thế giới đang được áp dụng tại Changi T4, Incheon T2, New Istanbul, Charles de Gaulle; đảm bảo khả năng mở rộng, nâng cấp và kết nối đồng bộ với giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
Với mục tiêu đầu tư như vậy, tổng mức đầu tư (bao gồm cả dự phòng khối lượng và dự phòng trượt giá theo quy định) là 4,779 tỷ USD. So sánh quốc tế cho thấy, với suất đầu tư 4,779 tỷ USD/25 triệu hành khách của sân bay Long Thành giai đoạn 1 là tương đương với suất đầu tư của các cảng hàng không lớn trên thế giới.
Cụ thể, Dự án Cảng hàng không quốc tế Frankfurt - Đức giai đoạn 3 (khởi côngtháng 4/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD cho công suất 21 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,3 tỷ USD/25 triệu hành khách.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Incheon- Hàn Quốc giai đoạn 3 (vận hành khai thác từ tháng 1/2018) có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD cho công suất 18 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,9 tỷ USD/25 triệu hành khách.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nói rõ, sự so sánh này chỉ mang ý nghĩa tham khảo, do cảng hàng không là một công trình phức hợp, nên sự khác biệt về mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, phạm vi công việc thực hiện, thời điểm đầu tư, công nghệ áp dụng, các chính sách thuế, phí, dự phòng ở các quốc gia khác nhau nên tổng mức đầu tư sẽ khác nhau.
Ví dụ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của sân bay Long Thành đã tính đến nhiều hạng mục hạ tầng cơ bản phục vụ chung cho nhiều giai đoạn cũng được triển khai đồng bộ ngay từ giai đoạn 1 như: đường giao thông kết nối, các công trình quản lý bay của VATM; hệ thống điện - nước - thoát nước - viễn thông - xử lý chất thải...
theo CafeLand