Chính phủ đã giao các địa phương phải hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 6 tới. Dù nhiều địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc, nhưng trên thực tế việc này sẽ không dễ hoàn thành đúng hạn.
Nhiều đoạn thuộc dự án cao tốc Bắc Nam đang chờ Quốc hội quyết định có chuyển sang đầu tư công hay không Ảnh: Hữu Việt
Phức tạp nguồn gốc đất
Ông Nguyễn Xuân Thanh (43 tuổi, ở thôn Đông Sơn, xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cho biết, gia đình ông phải nhường gần 4 sào đất gồm nhà xây kiên cố và ao, vườn cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Ngày 15/5, ông Thanh nhận được thông báo của địa phương về số tiền đền bù hỗ trợ hơn 600 triệu đồng.
“Chính quyền địa phương giải thích, gia đình tôi được đền bù với giá thấp do đất chưa có giấy tờ, nhà cửa và công trình phụ đều làm trên đất nông nghiệp. Năm 2005, tôi dựng nhà kiên cố hết hơn 300 triệu đồng. Nay có dự án cao tốc đi qua, chúng tôi đồng ý nhường đất nhưng Nhà nước cần có chính sách phù hợp, vì chúng tôi ở đây ổn định từ nhiều năm nay. Hơn 600 triệu tôi được đền bù chưa đủ mua được 1 lô đất tái định cư, nói gì tới xây nhà mới để ở”, ông Thanh nói.
Tại thôn Bắc Sơn (xã Phú Sơn, Tĩnh Gia), tuyến đường cao tốc đi vào chính giữa khu đất của gia đình ông Hồ Xuân Mùi (71 tuổi), dự án thu hồi 1 phần đất và toàn bộ nhà cửa của ông với 14 khẩu ở chung. Đất của ông Mùi cũng không có giấy tờ, ông xây nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi thành thổ cư. Ông Mùi kể, năm 1977 ông giải ngũ và lên đây lập nghiệp, khai hoang. Từ đó tới nay, gia đình sử dụng ổn định, dựng nhà theo nhu cầu, cũng không thấy chính quyền nói gì, nên không chuyển thành đất thổ cư, không làm sổ đỏ.
“Tiền đền bù cho nhà tôi chỉ hơn 500 triệu đồng, số tiền đó làm sao mua đất tái định cư rồi dựng nhà mới. Chưa kể, đất tái định cư có giá gấp 2-3 lần giá đền bù đất hiện tại. Tôi mong Nhà nước xem xét có chính sách phù hợp thực tế”, ông Mùi nói.
Ngay với đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình, đầu tư công) đang triển khai thi công, hiện nhà thầu cũng đang rất “khát” mặt bằng để làm. Địa phương báo cáo đã có 70-80% diện tích mặt bằng sạch, nhưng phần vướng mắc là các hộ nằm xen kẽ trong dự án, kiểu “xôi đỗ”. Những căn nhà còn sót lại nằm giữa 2 bên là công trường đang thi công, dẫn tới khó khăn cho nhà thầu. Phần đất sạch không đủ độ dài để thi công đồng bộ, ảnh hưởng chất lượng thi công.
Ðịa phương lo khó đạt tiến độ GPMB
Theo yêu cầu của Chính phủ, hết tháng 6/2020, các địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua phải hoàn thành xong đền bù, GPMB. Dù rất nỗ lực, nhưng với những vướng mắc phát sinh, lãnh đạo địa phương đang rất lo lắng và chưa dám khẳng định tháng 6 sẽ xong toàn bộ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) Phạm Văn Nhiệm cho hay, với phần đất nông nghiệp, hiện tại cơ bản thu hồi xong. Phần còn lại chủ yếu là đất ở và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện, viễn thông, nước), trong đó khó nhất là đất ở. Theo ông Nhiệm, tuyến cao tốc đi qua khu vực vùng kinh tế mới, nên nguồn gốc đất rất phức tạp, dễ phát sinh đơn thư.
Ông Hồ Xuân Mùi (thôn Bắc Sơn, xã Phú Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), nhà kiên cố cũng chỉ được đền bù hơn 500 triệu đồng, do ông làm nhà trên đất nông nghiệp chưa có sổ đỏ
Theo ông Nhiệm, về tái định cư cũng phát sinh khó khăn cho địa phương. Theo đó, đất tại một số xã như Phú Sơn, Phú Lâm giá trị đền bù chỉ 600.000 - 1 triệu đồng/m2, trong khi suất đầu tư tại khu định cư mới lên tới 2,7 triệu đồng/m2. Nếu giá đất tái định cư bằng mức vốn đầu tư, người dân sẽ phải bỏ thêm tiền chênh hơn 1 triệu đồng/m2 mới mua được, trong khi đa số người dân gặp khó khăn.
“Vốn đầu tư khu tái định cư do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tạm ứng, sau đó địa phương bán lại cho người dân để trả lại ngân sách. Nếu bán đất tái định cư bằng suất đầu tư, người dân sẽ khó mua, nhưng nếu bán thấp hơn, chính quyền huyện chưa biết lấy nguồn nào bù phần hụt thu để trả lại ngân sách. Chúng tôi hy vọng các bộ, ngành xem xét để có cơ chế hỗ trợ khó khăn này, tạo đồng thuận từ người dân”, ông Nhiệm nói thêm. Vị lãnh đạo huyện này cũng chưa dám khẳng định có thể hoàn thành GPMB trong tháng 6/2020.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho hay, cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh này dài hơn 104km, với hơn 9.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 75% đất phải GPMB là đất nông nghiệp, tới nay việc chi trả tiền đền bù cơ bản đã xong, chỉ còn 78 hộ gặp vướng mắc. Riêng phần đất ở, có gần 2.300 hộ bị ảnh hưởng, bị thu hồi, đây là phần khó giải quyết nhất, dễ phát sinh đơn thư. Thực tế, hầu hết các huyện GPMB bị chậm tiến độ, mới quyết định thu hồi được 42% diện tích đất ở, khó nhất là phần mặt bằng qua huyện Tĩnh Gia và Hà Trung. Tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân được hơn 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.500 tỷ đồng được bố trí GPMB.
Theo tổng hợp của Bộ GTVT, tới tháng 5/2020, các địa phương đã bàn giao hơn 477 km/654 km (đạt 73% kế hoạch) mặt bằng sạch. Phần còn lại được dự kiến hoàn thành trong quý II/2020. Tuy nhiên, phần di dời công trình kỹ thuật (điện, viễn thông, nước) sẽ hoàn thành trong quý III/2020. Đã xây dựng 35/114 khu tái định cư, số còn lại đang thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công, hoàn thành trong quý III/2020.
Giải ngân giao thông đạt 24%
Bộ GTVT cho hay, tổng vốn ngân sách kế hoạch bộ được giao năm 2020 (gồm cả chuyển từ năm 2019 sang) khoảng 37.438 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm nay Bộ GTVT được giao 35.300 tỷ đồng, vốn kéo dài từ năm 2019 sang hơn 3.789 tỷ đồng.
Những năm vừa qua, giải ngân vốn đầu tư công tại một số dự án của Bộ GTVT bị kéo dài. Điển hình như gói 7.000 tỷ đồng được Quốc hội phân bổ cho dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, dù được chi theo diện dự án cấp bách, Quốc hội thông qua từ cuối năm 2018, nhưng phải tới ngày 8/5/2020, gói thầu đầu tiên mới được khởi công.
Trong khi đó, dự án nâng cấp, cải tạo đường cất/hạ cánh và đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội) không được bố trí ngân sách để thực hiện. Ngày 9/4 vừa qua, Chính phủ mới có nghị quyết giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư và bố trí vốn ngân sách thực hiện 2 dự án này, với số vốn đầu tư khoảng 4.100 tỷ đồng.
|
theo CafeLand