Alomuabannhadat – Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng yêu cầu Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan liên quan báo cáo nguyên nhân chậm tiến độ của dự án Trung Lương – Mỹ Thuận. Đồng thời, thay thế nhà đầu tư yếu kém bằng những đơn vị có năng lực tài chính, kinh ngiệm.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT.
Theo báo cáo của Bộ GTVT hiện nay dự án triển khai đạt khoảng 96% khối lượng giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Dự án đang bị chậm tiến độ nhiều so với yêu cầu đặt ra (Dự án được khởi công năm 2009, đến nay mới đạt 15,8% khối lượng công việc). Nguyên nhân là do việc huy động vốn gặp khó khăn, do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP, cũng như năng lực của Nhà đầu tư Dự án.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Làm rõ nguyên nhân của việc chậm tiến độ dự án cũng như trách nhiệm của các đơn vị có liên quan; đề nghị tiếp tục đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, đảm bảo thông tuyến vào năm 2020.
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại Nhà đầu tư dự án, thay thế nhà đầu tư yếu kém bằng nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật để tiếp tục đầu tư dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Khi hoàn thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tháng 6/2017, dự án được điều chỉnh vốn đầu tư 9.668 tỉ đồng và điều chỉnh kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2020. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư chiếm 30% với 2.800 tỉ đồng, còn lại hơn 6.800 tỉ đồng vốn vay.
Hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thi công 19 trong số 21 gói thầu xây lắp, còn lại 2 gói thầu địa phương chưa bàn giao mặt bằng.
theo CafeLand