Alomuabannhadat – Những vấn đề của vật liệu xây dựng mới lại một lần nữa được đặt ra tại một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây. Ở đó, các chuyên gia đưa ra những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong việc quy hoạch và sử dụng vật liệu xây dựng mới, đồng thời tìm cách thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.
Ở nước ta hiện nay, đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 70% đầu tư xã hội, trong đó vật liệu xây dựng (VLXD) chiếm từ 30 – 50% tổng đầu tư xây dựng. Do đó, phát triển ngành VLXD không chỉ giúp ngành xây dựng, bất động sản phát triển bền vững mà còn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội.
TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện VLXD, cho biết xu thế xây dựng các công trình trong tương lai sẽ chú trọng nhiều đến độ bền chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất và xây lắp và đặc biệt phải thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng công trình.
Vì vậy, định hướng phát triển VLXD trong tương lai cần tập trung đối với các chủng loại hữu cơ, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu… Các vật liệu như xốp cách nhiệt, tấm lợp sinh thái, gạch bê tông nhẹ, kính tiết kiệm năng lượng, tấm ốp đất sét nung, ngói tráng men, gỗ ốp tường xanh, xi măng xanh, gạch ốp lát tái chế... sẽ được đầu tư phát triển nhiều hơn.
Vật liệu hữu cơ trở thành xu thế phát triển loại sơn có khả năng chịu nhiệt, làm giảm nhiệt độ bề mặt; sơn chống mài mòn, bền trong các môi trường nước ngọt, nước mặn, dầu, hóa chất; phát triển sản xuất các loại sơn biến tính, sơn bền trong môi trường khí hậu nhiệt đới, nắng nóng mưa nhiều; sơn có hàm lượng VOC và hàm lượng kim loại nặng thấp…
Bên cạnh đó, các sản phẩm VLXD truyền thống như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, thép, kính... cũng cần phải có sự thay đổi về công nghệ sản xuất để tăng độ bền, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Các chuyên gia cho rằng, trong sản xuất xi măng cần nghiên cứu sản xuất chủng loại xi măng tính năng đặc biệt, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Nhà sản xuất cần nghiên cứu giảm tiêu hao năng lượng, nhiên liệu và nhân công trong sản xuất xi măng.
Vật liệu ốp lát và sứ vệ sinh trong tương lai sẽ tập trung phát triển những sản phẩm đa dạng về chủng loại, màu sắc, có khả năng chống mài mòn cao; phát triển các sản phẩm ốp lát có tính năng đặc biệt, chống bám bẩn, tự làm sạch, ngăn ngừa rêu mốc, bền màu. Doanh nghiệp sản xuất phải áp dụng tiến bộ KHCN để giảm tiêu hao về nguyên liệu, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm phát thải vào môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay VLXD mới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như về ứng dụng công nghệ để sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm và lượng đầu ra để đảm bảo cung cấp cho thị trường.
Để tăng cường sử dụng VLXD mới, những người trong ngành cho rằng cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý VLXD, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường cho các doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời công bố rộng rãi những hiệu quả thực tế của công trình sử dụng VLXD mới.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay sẽ là một cơ hội đổi mới và phát triển VLXD của tương lai. Ngành VLXD cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm chi phí đồng bộ các khâu từ giao dịch, vận chuyển vào sản xuất VLXD để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh mô hình quản lý, xây dựng đô thị thông minh gắn với sử dụng vật liệu thông minh.
theo CafeLand