Giai đoạn 5 năm tới (2021-2025) các địa phương trong tỉnh sẽ cần nguồn vốn khá lớn để đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm phát triển kinh tế. Vốn ngân sách có hạn, các địa phương sẽ phải cân đối và tìm nguồn vốn khác để triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật.
Trong quy hoạch của tỉnh thì đến năm 2025, sẽ nâng cấp mở rộng đối với 22 tuyến đường hiện hữu và 6 tuyến đường mở mới thuộc tỉnh quản lý.
Về phía các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh lên kế hoạch sửa chữa nâng cấp, làm mới nhiều tuyến đường cấp huyện, xã, ấp để kết nối giao thông, đảm bảo cho việc đi lại và giao thương. Cụ thể, mỗi địa phương đề xuất làm mới, nâng cấp khoảng 30 tuyến đường cấp huyện, xã, ấp.
Theo UBND tỉnh, trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020, tỉnh đã phê duyệt cho các địa phương thực hiện 253 dự án về giao thông. Các địa bàn được phê duyệt thực hiện nhiều dự án giao thông là TP.Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu.
|
Hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đều cho rằng, mở rộng, xây dựng mới các tuyến đường giao thông sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế cho giai đoạn tới. Từ những điều kiện hạ tầng sẵn có, các địa phương sẽ thực hiện mở rộng, đầu tư mới nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút lao động trên địa bàn và từ nơi khác đến. Công nghiệp phát triển sẽ kéo theo các dịch vụ khác khởi sắc như: thương mại, bất động sản, du lịch, logistics...
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho hay: “Hiện nay, huyện đang nhanh chóng hoàn tất hồ sơ của gần 20 dự án giao thông để đưa vào khởi công trong những năm tới. Các tuyến đường trên hoàn thành và sớm đưa vào khai thác sẽ giúp cho Xuân Lộc tạo nhiều đột phá trong phát triển kinh tế và sớm hoàn thành nông thôn mới nâng cao”. Kế hoạch đầu tư công của H.Xuân Lộc là trong giai đoạn 2021-2025, riêng lĩnh vực giao thông cần gần 1,8 ngàn tỷ đồng để nâng cấp và mở mới các tuyến đường.
Các huyện khác như: Long Thành, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch... cũng dự kiến sẽ mở mới, nâng cấp nhiều tuyến đường để đảm bảo giao thông trên địa bàn và kết nối các huyện, thành phố, vùng.
Ông Huỳnh Tấn Thìn, Quyền Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho biết: “Trong 5 năm tới, huyện sẽ đầu tư xây dựng 2 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp ở xã Long Giao nên rất cần vốn đầu tư làm mới và sửa chữa khoảng 30 tuyến đường để kết nối giao thông trên địa bàn và các vùng lân cận. Các tuyến đường mở rộng, đầu tư mới sẽ thu hút các dự án trên những lĩnh vực khác đầu tư vào”.
Huyện Long Thành cũng đang gấp rút triển khai hàng loạt dự án về giao thông lớn, nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đặc biệt, sắp tới đây khi cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng thì càng cần phải kết nối hệ thống giao thông khu vực quanh sân bay. H.Nhơn Trạch nằm trong trục tròn phát triển của sân bay nên cũng đang tìm vốn để dồn vào đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với khu vực lân cận và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tạo vốn cho dự án giao thông
Giai đoạn 5-10 năm tới, Đồng Nai xác định công nghiệp vẫn là lĩnh vực chính trong phát triển kinh tế của các địa phương và tỉnh. Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tỉnh chú trọng cập nhật các dự án đường giao thông để triển khai. Đồng thời lên phương án tìm thêm vốn để thực hiện nhanh các dự án.
Tuyến đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa) xuống cấp và liên tục bị kẹt xe đang dự tính nâng cấp và mở rộng. Ảnh: H. Giang
Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết: “Sở đã tiến hành rà soát và xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Do đó, các địa phương cần nhanh chóng cập nhật đầy đủ các tuyến đường vào quy hoạch sử dụng đất của giai đoạn tới để khi hoàn thành thủ tục và có vốn sẽ tiến hành khởi công xây dựng”.
Trong kế hoạch đầu tư công, mỗi năm các địa phương chỉ được phân bổ vài trăm tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật nên sẽ không đủ vốn thực hiện. Do đó, các huyện, thành phố đều phải tìm thêm vốn để thực hiện các tuyến đường bằng hình thức xã hội hóa, đấu giá đất. Nguồn vốn khai thác từ đất đai (dự tính rất lớn) sẽ giúp các địa phương thực hiện được cùng lúc 2 mục tiêu là có vốn đầu tư các tuyến đường và mời gọi doanh nghiệp phát triển theo đúng quy hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nguồn vốn các địa phương có được nằm trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Vì thế, các huyện, thành phố chú ý khu vực hai bên các tuyến đường lớn sẽ mở rộng hoặc làm mới, quy hoạch đất để đấu giá. Khi các tuyến đường được xây dựng xong sẽ tiến hành thu hồi đất, đấu giá lấy vốn đầu tư các công trình hạ tầng khác”.
Thời gian qua, Đồng Nai đã tiến hành đấu giá nhiều khu đất và thu về hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm khác. Đây là giải pháp tạo vốn cho các địa phương trong giai đoạn tới để tái đầu tư và phát triển.