Tín dụng tiêu dùng hết thời 'gà đẻ trứng vàng'

Các công ty tài chính tiêu dùng xu hướng tăng trưởng chậm do thắt chặt hoạt động và xử lý tồn dư từ giai đoạn tăng nóng trước đó.

Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) vừa ra báo cáo với dự đoán lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của FE Credit có thể giảm 22% so với cùng kỳ. 

Sở hữu 100% vốn của FE Credit, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến nhờ "con gà đẻ trứng vàng" này. Tuy nhiên theo HSC, tăng trưởng chậm lại của mảng tài chính tiêu dùng có thể khiến VPBank không thể hoàn thành kế hoạch năm 2018. HSC, theo đó, cũng hạ dự báo lợi nhuận năm nay của VPBank từ 11.000 tỷ xuống dưới 10.000 tỷ đồng, thấp hơn 8% so với kế hoạch của họ.

FE Credit tăng trưởng chậm lại có thể khiến VPBank không hoàn thành kế hoạch năm 2018.

Theo số liệu của Stoxplus, 4 doanh nghiệp nắm giữ trên 80% thị phần công ty tài chính tiêu dùng là FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential Finance. FE Credit, thực tế chỉ là một mảnh ghép trong sự chậm lại của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.

Để giành giật miếng bánh trong một thị trường kinh doanh béo bở, các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng bước vào cuộc đua giảm lãi suất, hạ chuẩn cho vay và kéo theo đó là các hệ luỵ về nợ xấu, đòi nợ thuê... 

Trong chỉ thị mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chức năng yêu cầu các công ty tài chính phải chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh, đồng thời rà soát lại lĩnh vực tín dụng tiêu dùng sau một thời gian tăng trưởng liên tục. Tín dụng tiêu dùng, cùng với bất động sản và chứng khoán, cũng được Ngân hàng Nhà nước xếp vào "ngành kinh doanh rủi ro cao" và bị hạn chế tăng trưởng tín dụng.

FE Credit, với dư nợ cho vay khách hàng hơn 45.000 tỷ đồng, là công ty chiếm gần một nửa thị phần cho vay tiêu dùng hiện nay. Kể từ khi tách ra khỏi VPBank với tư cách một pháp nhân độc lập vào năm 2014, dư nợ cho vay của công ty này tăng theo cấp số nhân. Riêng năm 2017, tăng trưởng tín dụng của riêng FE Credit đạt gần 40%, gấp khoảng 3 lần khối ngân hàng thương mại dù quy mô tín dụng xấp xỉ một ngân hàng cỡ nhỏ.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, công ty này gần như "giậm chân tại chỗ". Đến cuối quý II, dư nợ cho vay của FE Credit chỉ tăng khoảng 3% so với đầu năm. "Lo ngại chính của chúng tôi là tăng trưởng tín dụng của công ty này giảm mạnh hơn dự báo", HSC bình luận.

Theo giải thích của HSC, tăng trưởng tín dụng của FE Credit giảm mạnh sau khi có sự thay đổi về chiến lược khi hạn chế mở rộng cho vay tín chấp và tập trung hơn vào các sản phẩm cho vay tiêu dùng truyền thống. Điều này, một mặt phản ảnh chiến lược kinh doanh của VPBank, tuy nhiên một phần do tỷ lệ cho vay tiền mặt của FE Credit đã chạm mức tối đa cho phép.

HDSaison - công ty tài chính tiêu dùng đứng thứ ba xét về thị phần, cũng gặp cảnh tương tự. Trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ HDBank đạt hơn 16%, thì tỷ lệ này của HDSaison chưa tới 5%. Công ty này, trước đó, cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng theo cấp số như FE Credit.

"Các con số nói trên phản ánh tăng trưởng tín dụng của mảng tài chính tiêu dùng tiếp tục kém trong quý II", báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá.

Trong nửa đầu năm, đóng góp của FE Credit cũng trở nên "mờ nhạt" hơn trước. Công ty vốn được xem là "con gà đẻ trứng vàng" chỉ đóng góp dưới 40% tổng lợi nhuận trước thuế của VPBank, thấp hơn mức 50% trong những năm tăng trưởng cao gần đây. 

Theo dự báo mới nhất từ HSC, đơn vị này cho rằng lợi nhuận 9 tháng đầu năm của FE Credit chỉ đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này khiến lợi nhuận VPBank sau 9 tháng có thể mới hoàn thành được 56% kế hoạch năm. "Với cạnh tranh từ các đối thủ hiện tại cũng như một số tên tuổi mới ở mảng tài chính tiêu dùng, sẽ khó khăn để FE Credit có thể gia tăng thị phần", HSC bình luận.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất