Alomuabannhadat – Tăng trưởng cho vay ở mức rất thấp thậm chí âm trong 6 tháng đầu năm 2019 khiến tổng tài sản của các ngân hàng “top sau” sụt giảm.
Đây là giai đoạn các ngân hàng “sục sôi” báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2019. Trái ngược hoàn toàn với những ngân hàng lớn đang lo nguy cơ cạn room tín dụng thì những ngân hàng nhỏ đang loay hoay tìm chỗ đứng cho mình. Nhiều ngân hàng trong số đó thâm chí có tổng tài sản sụt giảm trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, tại PGBank, tổng tài sản cuối tháng 6/2019 là 28.211 tỷ đồng, giảm 4.9% so với hồi cuối tháng 3 và giảm 5.6% so với hồi đầu năm.
Cho vay khách hàng tại PGBank chỉ tăng 1.2% trong 6 tháng. Dư nợ cho vay khách hàng chỉ đạt 22.080 tỷ đồng. Huy động tiền gửi cũng giảm tới 7.8% xuống còn 21.519 tỷ đồng.
Cùng với hoạt động tín dụng tăng trưởng thấp, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước của PGBank đã giảm 70% xuống còn 580 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến tổng tài sản sụt giảm. Lợi nhuận trước thuế của PGBank chỉ đạt 94 trong 6 tháng, giảm 5% so với cùng kỳ do thu nhập lãi thuần giảm, chi phí dự phòng lại tăng mạnh.
Ở NCB, tăng trưởng tín dụng cũng ở mức rất thấp chỉ đạt 1.6% trong 6 tháng đầu năm. Mặt khác, NCB giảm tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước 69% khiến tổng tài sản của ngân hàng giảm 2.4%.
Tổng thu nhập hoạt động của NCB chỉ đạt 463 tỷ đồng, giảm tới 23% so với cùng kỳ. Nhưng nhờ cắt giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro, NCB vẫn có lãi 6 tháng đầu năm đạt 21 tỷ, tăng 32% so với cùng kỳ.
VietABank sụt giảm tổng tài sản 4.1% trong 6 tháng đầu năm mặc dù cho vay khách hàng vẫn tăng trưởng 7.4%.
Tổng tài sản tại ABBank chỉ tăng 1.2% trong nửa đầu năm do cho vay khách hàng giảm tới 5.1%.
Saigonbank có tổng tài sản chỉ tăng thêm 917 tỷ tương đương 4.5% lên 21.291 tỷ đồng; cho vay khách hàng ở ngân hàng này cũng chỉ tăng 3.8%.
theo CafeLand