Mặc dù liên tiếp được TP.HCM rót tiền đầu tư, các dự án chống ngập được kỳ vọng vẫn đang đứng trước nguy cơ trễ hẹn. Trong khi đó, tình trạng ngập nặng đang xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn TP dù mùa mưa chỉ mới bắt đầu, gây khó khăn cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân.
Tái ngập
Chỉ vài trận mưa đầu mùa, lưu lượng nước không quá lớn, nhưng đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngập sâu, xe chết máy la liệt, người dân bì bõm lội nước, phải chăng đây là dấu hiệu cảnh báo TP lại sắp bước vào một “mùa ngập” mới.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập trong năm 2016 và 2017 đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính ngập do mưa. Trong đó, có đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Lương Văn Can (quận 8), Tân Hương (quận Tân Phú). Tuy nhiên, thực tế từ đầu mùa mưa đến nay, các tuyến đường này vẫn liên tục ngập nặng mỗi khi có mưa. Có nơi nước ngập hơn cả mét, từ ngoài đường vào hẻm, tràn vào nhà dân.
Đỉnh điểm vào ngày 10/5, cơn mưa đầu mùa kéo dài chỉ 30 phút nhưng khiến nhiều tuyến đường ở nhiều quận huyện như Bình Thạnh, Thủ Đức, Quận 2, Quận 9... bị ngập úng nặng. Thậm chí các tuyến đường đã từng được công bố xoá ngập như Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Tân Hương cũng cùng chung cảnh ngộ.
Đặc biệt, đường Nguyễn Hữu Cảnh, nơi được xem là “rốn ngập” của TP xảy ra tình trạng ngập úng nặng, nước ngập gần 1 mét chỉ sau 15 phút khiến hàng loạt phương tiện lưu thông qua đây chết máy, trong khi nhiều người đi xe máy bị ô tô chạy qua tạo sóng xô ngã nhào. Không chỉ ngoài đường, các con hẻm, nhà dân trên hai tuyến đường này cũng bị nước tràn vào ngập sâu gần nửa mét gây hư hỏng nhiều tài sản, công việc kinh doanh ngưng trệ.
Sau trận mưa kéo dài khoảng một giờ, các tuyến đường ở Thảo Điền (quận 2) - nơi được mệnh danh ''khu nhà giàu'' của TP Hồ Chí Minh mênh mông nước, ngày 9/5 - Ảnh: VNE
Điều đáng nói, để giải quyết tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh 2 năm nay, UBND TP đã thuê dịch vụ "siêu máy bơm" chống ngập của Công ty tập đoàn công nghiệp Quang Trung nhưng thời gian qua đường này không ít lần bị ngập.
Chị Minh Trang (một nhân viên văn phòng tại khu Saigon Pearl, phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết: “ Mới đầu mùa mưa mà nước đã ngập thế này thì không biết đến mùa, đến đợt cao điểm thì sẽ ngập như thế nào nữa. Nghe bảo có “siêu máy bơm” tưởng đâu sẽ không ngập, ai dè vẫn ngập như thường”.
Theo ghi nhận, tình trạng ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh còn lan sang các tuyến đường, hẻm lân cận như đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Thương, nước ngập kéo dài trong nhiều giờ liền mới rút.
Trong khi đó, cơn mưa ngày 11/5, nhiều khu vực khác như đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), quốc lộ 1 đoạn qua ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh cũng lênh láng nước, hàng loạt phương tiện di chuyển qua đây hết sức khó khăn.
Cũng trong cơn mưa ngày 11/5, nhiều hộ dân sống trong khu vực Đường số 6 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) phản ánh, cứ mưa xuống họ lại phải sống chung với ngập. Tại đây có một số vị trí trũng thấp, không có hệ thống thoát nước nên mỗi lần ngập phải mất vài tiếng đồng hồ nước mới rút. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đi lại của người dân mà còn khiến việc kinh doanh của nhiều tiểu thương bị trì trệ.
Kể từ khi TP bước vào mùa mưa, người dân sinh sống ở tuyến đường nói trên luôn phải chống chọi với mưa ngập. Dù tìm đủ biện pháp nhưng họ vẫn phải chịu cảnh nước tràn vào nhà. Nhiều năm qua, tình trạng này vẫn không được khắc phục nhưng năm nay, mới đầu mùa, lượng mưa chưa nhiều nhưng tình trạng ngập xảy ra liên tiếp trong các ngày 7/5, 9/5, 10/5, 11/5 khiến người dân lo ngại năm nay tình trạng ngập sẽ gia tăng và nghiêm trọng hơn các năm trước.
Lại trễ hẹn?
Được biết, những năm qua TP đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng vào các công trình chống ngập trên nhiều tuyến đường, nhưng tình trạng ngập vẫn không giảm. Thậm chí có nơi càng chống càng ngập. Vậy những dự án, công trình chống ngập làm ăn ra sao, phát huy hiệu quả thế nào?...là những câu hỏi mà người dân TP nóng lòng chờ đợi câu trả lời.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, chỉ riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh với chiều dài hơn 3 km nhưng đang phải oằn mình với 5 khu phức hợp gồm chung cư, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại. Chỉ riêng con đường này đã “gánh” hơn 18.500 căn hộ cao cấp.
Trước thực trạng trên, TP đã chấp thuận cho Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đầu tư máy bơm công suất cực lớn để giải cứu mối khi ngập với kinh phí lên đến 14 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, giải pháp này dường như vẫn không giải quyết được triệt để, mỗi khi mưa xuống, dù lượng mưa không lớn, đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn “biến thành sông”.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục chấp thuận kế hoạch sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Công trình được thi công trong khoảng 14 tháng, dự kiến từ tháng 6 năm nay đến tháng 8/2020. Dự án sẽ nâng cao mặt đường, đảm bảo yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên, phù hợp với cao độ san nền quy hoạch.
Mưa lớn không chỉ làm ngập đường mà còn tràn vào nhà dân, nhiều người phải dùng máy bơm nước ra ngoài, ngày 9/5 - Ảnh: VNE
Trong khi đó, theo chương trình chống ngập giai đoạn 2016 - 2020, TP tập trung giải quyết 40 điểm ngập tại khu vực trung tâm (nội thành hiện hữu) và 179 tuyến hẻm. Hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều của dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu" giai đoạn 1 trị giá 10.000 tỷ đồng.
Riêng dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu" giai đoạn 10.000 tỷ đồng được xem là một trong những dự án chống ngập quy mô nhất triển khai trên địa bàn TP thời gian gần đây, dự án được cho giúp chống ngập do triều trong lưu vực 550km2 với 6,5 triệu người được hưởng lợi, là niềm hy vọng trong công cuộc xoá ngập của người dân TP.
Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra công trình ngày 12/3, trả lời Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (đơn vị thực hiện dự án) cho biết, khối lượng toàn dự án hiện đã đạt hơn 72%. Sau khi TP đồng ý điều chỉnh ranh dự án, đã có 132 hộ dân và tổ chức không phải di dời. "Nhà đầu tư cam kết cuối năm sẽ hoàn thành phần xây dựng công trình trong năm nay, nếu các địa phương bàn giao mặt bằng đúng hạn 30/6", ông Tiến nói.
Ngoài ra, 3 điểm ngập quốc lộ 13, quốc lộ 1 (quận Thủ Đức) và đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) được giải quyết ngập sau năm 2020 vì trùng với các dự án lớn khác mà TP đang kêu gọi đầu tư như dự án mở rộng quốc lộ 13, dự án đường vành đai 2. Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều dự án công trình chống ngập vẫn đang đứng trước nguy cơ trễ hẹn. Như vậy, mùa mưa năm nay, người dân TP vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh ngập nước.
Nhận định về tình trạng ngập kéo dài của TP nhiều năm qua, một chuyên gia giao thông đô thị tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc chống ngập cần có sự tư vấn, giám sát của chuyên gia nước ngoài bởi việc quy hoạch, xây dựng và giám sát ở các nước tiên tiến đều có sự hỗ trợ của thiết bị, công nghệ hiện đại và được theo dõi chặt chẽ. “TP nên mời tư vấn nước ngoài vào nghiên cứu để và làm theo tiêu chuẩn nước ngoài. Tại sao Paris không ngập, các TP lớn không ngập? Với các TP lớn, việc quy hoạch, tiêu chuẩn chống ngập lên đến cả trăm năm như Tokyo, Malaysia… Bên cạnh hệ thống cống còn có những hồ điều tiết lớn để trữ nước”, vị này nhấn mạnh.
Muốn hết ngập, cần 100.000 tỷ đồng
Phát biểu trên báo chí, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP cần huy động vốn để tiếp tục nâng cấp hệ thống thoát nước tại các vùng ven theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước 752 đã có từ năm 2001. Chương trình này đã có nghiên cứu nhưng vẫn chưa được triển khai. Bên cạnh đó, kết hợp mảng xanh đô thị cùng với hệ thống thoát nước đồng đều trên các địa bàn quận, huyện. “Để làm được những điều trên, kinh phí TP cần đầu tư ước tính 100.000 tỷ đồng. Nếu không nhanh chóng giải quyết, tình trạng ngập lụt sẽ ngày càng kéo dài và nặng nề”, ông Phi nói.
|
theo CafeLand