Theo kế hoạch, từ ngày 1.8, TPHCM sẽ triển khai đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ôtô bằng công nghệ thông minh và theo biểu giá mới, thu lũy tiến theo giờ.
Bãi giữ xe ôtô có thu phí với giá 5.000 đồng/chiếc trên đường Lê Lai - công viên 23/9 (Q.1). Từ ngày 1.8, giá giữ ôtô ở TPHCM sẽ tính theo giờ. Ảnh: Minh Quân
Để chuẩn bị, TPHCM mới đây kiến nghị Cục Viễn thông (Bộ TTTT) hỗ trợ, cho phép thành phố sử dụng đầu số dịch vụ 6868 (SMS) để cung cấp dịch vụ và thu phí đỗ xe ôtô. Việc này nhằm giúp người đỗ xe ôtô có nhiều lựa chọn hình thức thanh toán, bên cạnh việc trả phí đỗ xe ôtô qua thẻ thanh toán quốc tế hay thẻ thanh toán nội địa.
Nhà mạng thu phí hộ
Trước đó, HĐND TPHCM đã ban hành nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đậu ôtô trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, mức phí được điều chỉnh tăng và phí tính lũy tiến theo giờ thay vì theo lượt như hiện nay. Việc thu phí được thực hiện thông qua phần mềm thu phí tự động My Parking.
Đây là một nội dung cụ thể hóa Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Tuy nhiên, do công tác lắp đặt thiết bị thu phí, công nghệ thu phí; lắp đặt thiết bị giám sát, camera… chưa hoàn tất nên UBND kiến nghị HĐND TPHCM cho phép bắt đầu triển khai thu phí tự động từ ngày 1.8, thay vì ngày 1.6 như nghị quyết của HĐND TPHCM đặt ra.
Với việc áp dụng đồng bộ thu phí giữ xe ở 35 tuyến đường sắp tới, tất cả trường hợp tài xế ôtô không sử dụng ứng dụng công nghệ quản lý thông minh sẽ không được phép tạm dừng đỗ xe ở khu vực lòng đường, vỉa hè cho phép thu phí mà buộc phải gửi ở nơi khác. Việc này đồng nghĩa nếu muốn gửi xe trên các tuyến đường này, các tài xế phải thông qua ứng dụng công nghệ thông minh là My Parking.
Theo Sở GTVT TPHCM, hình thức thu phí này ứng dụng công nghệ thông minh nên nhà mạng sẽ là đơn vị thu phí hộ. Nếu được Cục Viễn thông cho phép thành phố sử dụng đầu số dịch vụ 6868, người đỗ xe thanh toán qua hình thức nhắn tin qua đầu số trên hoặc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, thẻ thanh toán nội địa theo mức phí quy định. Trường hợp thanh toán qua tổng đài nêu trên đã bao gồm chi phí dịch vụ của nhà mạng. Tính riêng 35 tuyến đường được phép đậu xe, dự kiến mỗi tháng TPHCM sẽ thu về 31 tỉ đồng.
Theo Sở GTVT TPHCM, mức phí đậu ôtô dưới lòng đường sắp tới áp dụng tăng cao hơn 20-25% mức giá giữ xe của các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng ở TPHCM (và gần bằng giá ở Hà Nội, Đà Nẵng).
Hiện nay mức phí đậu xe tại các đường ở TPHCM chỉ 5.000 đồng/lượt là khá thấp. Do đó, việc tăng mức thu phí đậu ôtô sẽ góp phần tăng cường quản lý sử dụng công năng vỉa hè, lòng đường hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, hạn chế người dân sử dụng ôtô cá nhân đi lại, góp phần giảm bớt nạn ùn tắc và kẹt xe. Các dự án đầu tư bãi đậu xe (ngầm, nổi) theo hình thức xã hội hóa cũng có điều kiện phát triển hơn.
Hạn chế tiêu cực
Việc TPHCM tăng phí và áp dụng công nghệ trong việc triển khai thu phí đỗ xe ôtô được cho là sẽ giúp hạn chế những tiêu cực phát sinh trong quá trình thu phí và tăng thu ngân sách. Bởi lâu nay, dù mức phí đậu xe dưới lòng đường 5.000 đồng/lượt nhưng thực tế người dân phải trả nhiều hơn mới có được chỗ đậu xe. Như vậy, khoản tiền chênh lệch rất lớn trong việc thu phí giữ xe đang “chảy vào túi ai đó”.
Ngoài ra, với mức phí quá thấp như lâu nay dẫn đến nhiều chủ phương tiện lợi dụng mức phí này để biến lòng đường thành bãi tạm đỗ xe, thời gian đỗ xe kéo dài cả ngày thay vì chỉ sử dụng tạm thời. Thậm chí, có những tuyến đường, một số đối tượng tự đứng ra thu phí đậu xe ôtô của người dân và bỏ túi riêng khiến nhà nước bị thất thu một khoản không nhỏ.
Theo tìm hiểu, trước đây, trên địa bàn quận 1 có 36 tuyến đường thu phí đậu ôtô, nhưng nay chỉ còn 12 tuyến đường có thu phí, còn lại là miễn phí. Có một thực tế là có những tuyến đường trước đây thu phí, sau này Nhà nước không thu thì tư nhân tự nhảy ra thu. Thật vậy, nhiều tài xế cho biết xe muốn đậu tại đường Mạc Thị Bưởi đều phải trả tiền cho bảo vệ tại các nhà hàng, cửa hiệu trên con đường này.
“Ở đây chia ô, chia đoạn thành “lãnh địa” riêng, bất thành văn, mỗi nhóm giữ một đoạn đường để thu, không ai phạm đến ai, giá trung bình là 30.000 đồng/xe. Nếu không đồng ý trả số tiền trên, có chuyện gì xảy ra hay khi bị công an kiểm thì… tài xế tự lo” - một tài xế cho biết.
TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - đánh giá việc áp dụng thu phí đỗ ôtô qua điện thoại sẽ mang lại nhiều hiệu quả khi không chỉ khắc phục những hạn chế của hình thức thu phí thủ công mà còn làm giảm bất cập trong quá trình thu phí hiện nay.
Theo TS Nguyên, mô hình mới sẽ giúp kiểm soát thời gian đỗ của từng ôtô, từ đó quy ra mức phí mà chủ phương tiện phải trả. Việc này hạn chế tình trạng ôtô đậu kéo dài nhưng mức phí vẫn áp dụng đồng đều với các phương tiện gửi trong thời gian ngắn, làm giảm hiệu quả của việc quản lý thu phí và khiến nhiều tiêu cực có thể phát sinh.
“Nhiều trường hợp sử dụng lòng đường làm bãi đỗ ôtô, thời gian kéo dài, gây mất trật tự đô thị và quá tải hạ tầng. Vì vậy, việc thu phí sử dụng tạm lòng đường bằng công nghệ là hoàn toàn phù hợp bởi sẽ tăng cường được công tác quản lý, giúp việc thu phí chính xác và hiệu quả. Còn nguồn thu, nên sử dụng vào việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng” - TS Nguyên nói.
Từ ngày 1.8, phí tạm dừng đậu ôtô trên lòng đường tại TPHCM được tính là 25.000-40.000 đồng/giờ và tăng lũy tiến theo giờ chứ không theo lượt như hiện nay và áp dụng cho 2 nhóm: Ôtô đến 9 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn và ôtô từ 10 chỗ, xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn. TPHCM chỉ thu phí dừng đỗ ôtô từ 6h - 24h, ngoài khung giờ này không phải đóng phí. |
theo CafeLand