TS. Phan Hữu Thắng: Chúng ta đang bỏ ngỏ quản lý chuyển giá với doanh nghiệp FDI

Alomuabannhadat - Đã được 30 năm kể từ ngày Luật Đầu tư nước ngoài ra đời (12/1987 - 2018), công lao của những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp vào kinh tế Việt Nam là không thể phủ nhận. Nhưng đi cùng với đó cũng có rất nhiều vấn đề mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm. Đó là những bài học lớn cho định hướng thu hút FDI trong những năm tới nếu Việt Nam còn tiếp tục chiến lược này.

Nhiều người đặt câu hỏi “Sau 30 năm thu hút FDI, Việt Nam được gì?”. Trả lời câu hỏi này cũng có rất nhiều đáp án. Tuy nhiên, thay vì chỉ trích thì nên góp ý. Để cung cấp thêm một góc nhìn trong việc thu hút FDI trong giai đoạn mới, Alomuabannhadat đã có cuộc trò chuyện với TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – một trong những người trực tiếp tham gia thu hút FDI từ những ngày đầu tiên với vai trò quản lý nhà nước.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)

Alomuabannhadat: Thưa ông, sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta đã học được những gì và liệu định hướng thu hút FDI có thay đổi trong thời gian tới?

TS. Phan Hữu Thắng: Chúng ta đã có 30 năm thu hút FDI để nhìn lại và xem xét vấn đề từ mọi khía cạnh. Có thể thấy tất cả các khâu trong thu hút FDI đều rất quan trọng, từ việc định hướng, tới quản lý, thực hiện, giám sát. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng hơn cả là định hướng chiến lược thu hút FDI.

Sau 30 năm nhìn lại, có thể thấy thế giới đang thay đổi từng ngày. Những cuộc cách mạng công nghệ đang làm thay đổi những quan niệm cố hữu về thế giới. Hôm nay thế giới có thể là cái này, nhưng ngày mai đã là cái khác. Hôm nay có thể công nghệ này là hiện đại, tiên tiến nhưng ngày mai đã có thể thành lạc hậu, lỗi thời. Vì thế cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nói thế để thấy rằng, công nghệ 4.0 đã được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng để thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với đó là việc xác định lại, định hướng lại những mục tiêu ban đầu.

Ví dụ như mục tiêu lớn nhất là “vốn”. Vốn trong thu hút FDI là gì? Theo tôi, chúng ta cần có cách hiểu rằng, công nghệ cũng là vốn, vì công nghệ cũng phải mua, trí tuệ cũng là vốn, nhân tài cũng là vốn… Nói thế có nghĩa là, trong giai đoạn tới, chúng ta không nên áp đặt những quan niệm cũ vào những mục tiêu cũ, mà cần hiểu rằng hướng tới cái mới trong cái cũ.

Vốn trong giai đoạn mới cần được hiểu không phải là đồng tiền được thổi phồng lên mà cần xem xét tới chất lượng của đồng vốn, cùng là đồng vốn nhưng phải chất lượng hơn. Ví dụ như máy móc đầu tư vào phải thực chất hơn, tốt hơn, phải là công nghệ cao và cái chúng ta không thể sản xuất được hay dễ dàng mua được và càng không thể là máy móc cũ từ Trung Quốc.

Vậy trong thời gian tới, chúng ta nên thu hút FDI vào những ngành nghề nào để phát huy được những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra, thưa ông?

Đúng là trong thời gian tới, thu hút FDI cần xác định rõ lại là cần thu hút vào ngành nghề nào, tránh dàn trải. Cụ thể, chúng ta nên tập trung vào những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng nhất và những cái chúng ta chưa làm được. Ví dụ như đào tào nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch.

Người Việt Nam rất thông minh. Đó được coi là lợi thế lớn và cuộc cách mạng 4.0, giống như một cơ hội để chúng ta rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Yếu tố con người luôn đi đầu và cần được chú trọng đầu tiên là trong giáo dục, đào tạo nghề.

Theo tôi, hệ thống đào tạo nghề ở Việt Nam đang rất yếu. Ngay bản thân trong quan niệm của người dân đã coi trọng việc vào đại học hơn là vào những trường nghề. Như vậy là sai lệch và cần thay đổi về mặt tư duy.

Hiện nay cái chúng ta cần là những kỹ sư giỏi, lành nghề và có khả năng sáng tạo thay vì đào tạo hàn lâm, dàn trải. Chúng ta cần có máy móc hiện đại để dạy cho sinh viên thay vì dạy học “chay” như hiện nay.

Tuy nhiên, để thu hút FDI vào lĩnh vực này là rất cần thiết nhưng lại rất khó vì nó không mang lại hiệu quả sinh lời. Thiết nghĩ, muốn FDI đầu tư máy móc, trí tuệ vào lĩnh vực này cần có sự khuyến khích, ưu tiên từ chính sách nhà nước. Quan trọng hơn cả là định hướng từ phía cơ quan có thẩm quyền thấy rõ sự quan trọng của giáo dục.

Hoặc với những nhà đầu tư FDI lớn như Samsung chúng ta có thể khuyến khích họ xây dựng các trường đại học như đại học kỹ thuật, để dạy nghề, đầu tư vào đấy những thiết bị công nghệ hiện đại. Như vậy, họ vừa có đội ngũ giỏi, chúng ta lại đào tạo được một lớp nhân tài “làm giỏi”.

Cùng với đó, theo tôi chúng ta cũng nên gom các trường trung cấp, trường nghề lại, làm thành một trường đại học dạy nghề. Từ đó thu hút học viên và đi kèm với các chính sách ưu đãi dành cho các gia đình có con học giỏi nhưng lại không có điều kiện cho theo học.

Đi kèm với việc dạy nghề, thiết nghĩ cũng không nên bỏ ngỏ việc đào tạo đội ngũ lãnh đạo. Đào tạo họ để có thể quản lý được một lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, từ đó họ hiểu và có thể quản lý. Một đội ngũ cán bộ giỏi cần có đạo đức, trách nhiệm và hiểu chuyên môn mới giảm được tính trạng gian lận của doanh nghiệp hiện nay.

Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là một số doanh nghiệp FDI lợi dụng kẽ hở luật pháp Việt Nam để trốn thuế, chuyển giá. Sau 30 năm cộng tác liệu chúng ta đã rút ra được bài học gì cho vấn đề này không, thưa ông?

Chuyển giá, trốn thuế không chỉ có doanh nghiệp FDI vướng phải mà có cả doanh nghiệp Việt cũng làm, nhưng quy mô FDI có thể lớn hơn và đáng chý ý hơn.

Hình thức trốn thuế hay chuyển giá khá đa dạng nhưng chuyển giá, trốn thuế bằng khai khống số liệu đầu tư là lớn nhất và cần được chú ý hơn cả.

Nói một ví dụ đơn giản là doanh nghiệp chỉ đầu tư vào Việt Nam 80 triệu USD nhưng họ khai lên 200 triệu USD. Đó là một cách chuyển giá để trốn thuế, sau đó họ từ từ hợp lý hoá bằng nhiều phương thức.

Vậy chúng ta có thể quản lý, phát giác được không? Theo tôi là chúng ta đủ năng lực để làm nhưng lại đang bỏ ngỏ.

Trên thế giới có rất nhiều các công ty giám định quốc tế, chúng ta có thể thuê họ vào làm để xác định đúng giá trị thực của khoản đầu tư. Hoặc trong quá trình doanh nghiệp làm, chúng ta có thể giám sát đầu tư, theo dõi hàng ra - vào bằng sổ riêng của Hải quan, từ đó biết được họ nhập cái gì vào, giá bao nhiêu, thời điểm nào, sau đó so sánh với các mặt hàng tương tự.

Như vậy có thể thấy việc xác định doanh nghiệp có chuyển giá hay không không khó. Nhưng chúng ta có làm hay không mới là quan trọng.

Có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI tiếp diễn vì chính sách của chúng ta không đi tới cùng. Chúng ta không giám định giá trị đầu tư để biết sau khi hoàn thành vốn đầu tư thực là bao nhiêu.

Đến nay, chúng ta vẫn quản lý theo hình thức không theo dõi con số thực, mà chỉ nắm khơi khơi con số vốn đăng ký. Trong khi thực tế có doanh nghiệp đăng ký giấy phép 100 triệu USD, nhưng thực tế họ chỉ đầu tư 90 triệu USD hoặc có khi đầu tư hơn lên tới 110 triệu USD. Chúng ta bỏ ngỏ không quản lý, từ đó việc tính khâu hao cho doanh nghiệp đúng luật nhưng chưa “đúng người, đúng tội”.

Ví dụ, ngay như cả với doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, chúng ta cũng chỉ biết họ đăng ký đầu tư bao nhiêu chứ không biết được họ đã thực hiện bao nhiêu và vào đâu. Rõ ràng, theo luật doanh nghiệp phải báo cáo, nhưng chúng ta không làm, không thực hiện quản lý giám sát chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!

TS. Phan Hữu Thắng là tác giả cuốn sách “FDI đồng tiền hai mặt”, đánh giá về tác động, thành quả và vấn đề của FDI trong 30 năm kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 29/12/1987. Theo tác giả, FDI cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Một trong những mặt tiêu cực đáng chú ý hơn cả chính là vấn đề chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp này tại Việt Nam diễn ra trong bao nhiêu năm qua.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất