Alomuabannhadat - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16/2018/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Theo đó, Thông tư quy định rõ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau:
Từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2018, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng tỷ lệ 45%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.
Từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ áp dụng với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm xuống còn 40%; áp dụng với tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn giữ ở mức 90%.
Thông tư 16 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/7/2018.
Trước đó, NHNN đã từng lùi thời hạn siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thay vì đưa về 40% vào năm 2018 như quy định hiện hành của Thông tư 36.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều ngân hàng có tỷ lệ sử dụng vốn dài hạn cho vay trung dài hạn cao, khoảng 55% trong khi huy động vốn trung dài hạn chỉ 13% (gần 90% vốn huy động là ngắn hạn), gây ra nguy cơ mất cân đối kỳ hạn. Chính vì vậy, cần có lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn vốn cho các ngân hàng.
Tuy vậy, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ “gây khó” cho các ngân hàng trong việc cho vay các các lĩnh vực có kỳ hạn dài, phần lớn nằm trong lĩnh vực giao thông, bất động sản. Chính vì vậy nên NHNN đã giãn lộ trình giảm để các ngân hàng dần thích nghi với quy định, tránh bị “shock”.
Theo đa số các chuyên gia tài chính, việc áp quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh cho vay giao thông, bất động sản thường tiềm ẩn nhiều rui ro. Cùng với việc giảm tỷ lệ này, ngân hàng cũng cần giám sát chặt chẽ hơn dòng vốn chảy vào các lĩnh vực nêu trên.
theo CafeLand