Các chủ đầu tư có thể sẽ “rùng mình” khi biết rằng danh mục đầu tư văn phòng cho thuê có thể sẽ không bao giờ mang lại lợi nhuận như trước khi đại dịch bùng phát, trong khi những chủ đầu tư khách sạn tiếp tục than vãn về sự trống vắng trong hoạt động thuê phòng, theo South China Morning Post.
Một báo cáo gần đây của Knight Frank chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu của một số khoản đầu tư trên khắp thế giới. Những tài sản cơ bản có khả năng phục hồi cao hơn tiếp tục giữ nguyên giá trị của chúng, trong khi các tài sản còn lại đã bị sụt giảm giá trị.
Các nhà nghiên cứu của Knight Frank cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến những động thái mới nhằm tái sử dụng tài sản cho mục đích phù hợp hơn trong bối cảnh dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống con người”. Các công ty bất động sản cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề này.
Với những ngôi nhà cũ, cơ hội để tái cấu trúc, biến chúng thành những tài sản thay thế mới nổi như trung tâm dữ liệu, cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhà ở và không gian làm việc chung ngày càng rõ ràng hơn.
Christine Li, lãnh đạo Knight Frank khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh xu hướng này được thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực khách sạn. “Các khách sạn tất nhiên là những nơi chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh trong hai năm qua. Chính vì vậy, doanh thu đối với các khách sạn lớn trong khu vực giảm trung bình hơn 50%”, bà nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, các nhà đầu tư đang tích cực mở rộng hoạt động tái cấu trúc tại Hong Kong, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Họ đã mua lại các tòa nhà cũ và biến chúng thành những căn hộ chung cư mới hoặc căn hộ dịch vụ, những loại hình tài sản đã chứng minh được tiềm năng phát triển trong mùa dịch.
Bà Li nhấn mạnh: “Với tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, giá cả quá đắt đỏ, chi phí thuê cao,… việc chuyển đổi khách sạn thành nhà ở sẽ giúp cung cấp các lựa chọn sống hợp lý, dễ tiếp cận và linh hoạt hơn, đặc biệt là cho các thế hệ trẻ”.
Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc và sử dụng các tòa nhà đã cũ cho mục đích khác còn đem lại giá trị về mặt thương mại. Một ví dụ được trích dẫn trong báo cáo của Knight Frank là việc chuyển đổi JC Mandarin Plaza ở Thượng Hải từ một khách sạn hoạt động kém hiệu quả thành một khu phức hợp thương mại cao cấp, để lấp đầy khoảng trống về nguồn cung ở khu trung tâm. Đây là một phần trong nỗ lực làm mới hình thái đô thị do chính quyền Thượng Hải khởi xướng.
Một ví dụ khác có thể kể đến công ty TNHH Hóa chất Chlor-Alkali Thượng Hải, nơi có ký túc xá nhà máy ở quận Minhang đã không hoạt động trong hai năm. Việc chuyển đổi thành 323 đơn vị nhà ở với khu chung cư đã mang lại sức sống mới cho một khu phức hợp dư thừa, đồng thời đáp ứng nhu cầu chỗ ở của nhân viên mới trong các doanh nghiệp.
Steven Paynter, CEO công ty kiến trúc Gensler có trụ sở tại Mỹ cho biết việc chuyển đổi sang các tòa nhà văn phòng hạng A hiện đại, tiện nghi và bền vững hơn thực tế đã diễn ra trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
“Trước khi đại dịch bùng phát, người thuê có nhiều lựa chọn trong một thị trường văn phòng rộng lớn. Giờ đây, khi đại dịch khiến cuộc sống bị đảo lộn, mọi thứ trở nên phức tạp hơn, nhiều người đang đòi hỏi những trải nghiệm văn phòng độc đáo hơn”, ông Paynter chia sẻ.
Trong trường hợp đó, việc chuyển đổi sang các tòa nhà chung cư sẽ là lựa chọn khả thi hơn. Nghiên cứu của Gensler cho thấy khoảng 30% các tòa nhà văn phòng ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới phù hợp để chuyển đổi sang mục làm chung cư, mặc dù điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
“Điều này có nghĩa là ở Hong Kong hoặc các thành phố đông đúc khác, chúng tôi kỳ vọng 25% - 30% các tòa nhà văn phòng cũ sẽ được chuyển đổi hình thức sử dụng. Tính riêng tại Hong Kong, tỷ lệ trống văn phòng hiện rơi vào khoảng 9%, tương đương 8 triệu m2. Do đó, việc chuyển đổi 25% - 30% trong số này có thể tạo ra khoảng 3.200 căn chung cư mới cho khoảng 6.000 người. Ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, điều này có thể giúp giảm bớt một số vấn đề về nhà ở và tạo ra ROI (lợi tức đầu tư) tốt hơn cho các chủ đầu tư”, CEO Gensler cho biết.
theo CafeLand