Vốn cho hạ tầng giao thông: chỗ giải ngân không hết chỗ thiếu triền miên

Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án giao thông được 26.700 tỉ đồng (tương đương 88% kế hoạch năm 2019), trong khi vốn được giao là 30.134 tỉ đồng. Điều đáng nói là có nhiều dự án giải ngân không hết nhưng vẫn còn 25 dự án đang thiếu vốn.

Tình trạng giải ngân chậm trong ngành giao thông xảy ra nhiều năm, song điều này chưa khắc phục được. Ảnh: Anh Quân

Theo báo cáo tổng kết của Bộ GTVT,  năm 2019, cơ quan này được giao 30.134 tỉ đồng vốn đầu tư công cho các dự án giao thông lớn trên cả nước. Tuy nhiên, theo kế hoạch giải ngân được kéo dài đến ngày 31-1-2020 thì Bộ GTVT cũng chỉ giải ngân được 26.700 tỉ đồng (tương đương 88% kế hoạch năm 2019).

Nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm, theo lý giải của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) là do việc bổ sung kế hoạch vốn chậm, các dự án cần có thời gian làm thủ tục để giải ngân số vốn mới giao. Các dự án lớn như cảng Lạch Huyện, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long gặp vướng mắc về thủ tục, chậm thanh quyết toán các hạng mục đã hoàn thành.

Bên cạnh đó, nhiều dự án gặp vướng mắc trong quá trình đấu thầu như dự án mở rộng các cầu trên Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang; dự án tín dụng ngành giao thông (giai đoạn 2). Ngoài ra, nhiều dự án vướng giải tỏa mặt bằng như quốc lộ 12 B; quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Tân An, Long An…

Trong khi nhiều dự án có vốn không giải ngân được thì nhiều dự án bị đình hoãn những năm trước vẫn không có vốn để thi công phần còn lại.

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay còn 25 dự án giao thông dang dở đang phải tạm dừng thi công do chưa được bố trí vốn. Đây đều là các dự án nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Muốn hoàn thành 25 dự án này theo quy mô được duyệt, ngân sách cần bổ sung khoảng 11.000 tỉ đồng.

Để sớm thi công các dự án bị đình hoãn, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa sử dụng hết của Bộ GTVT để chuyển sang xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng. Đồng thời, ứng trước vốn để tiếp tục thực hiện các dự án dở dang đang bị đình hoãn do chưa được bố trí đủ vốn.

Theo kế hoạch đặt ra, mục tiêu năm 2020, Bộ GTVT giải ngân dự kiến là 35.300 tỉ đồng. Để đảm bảo mục tiêu này, những dự án quá chậm sẽ thay thế nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ. Bộ GTVT sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu các ban quản lý dự án, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ điều chuyển công tác.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất