Lãnh đạo trong khủng hoảng cần được chia sẻ

Alomuabannhadat - Bốn giờ sáng, trời vẫn còn tối và hơn hai mươi con người đang chụm đầu vào nhau xì xào đủ thứ chuyện trên đời. Ở cái trạm dừng chân heo hút ngay lưng chừng núi chỉ có ngôi nhà sàn dựng bằng gỗ sơ sài được bao bọc bởi cây rừng, những con đường mòn đầy sỏi đá và một con suối nhỏ chảy róc rách giữa cái tĩnh mịch, hoang sơ của thiên nhiên.

Mỗi thành viên đều co mình trong chiếc túi ngủ dày dặn chỉ thò đầu ra ngoài đủ để có thể nói chuyện và nhìn vào mắt nhau truyền chút sự cảm thông và động viên.

Ngoài kia trời đã bắt đầu ngớt mưa nhưng cái lạnh cắt da cắt thịt vẫn tiếp tục tỏa ra khắp không gian là hệ quả của một đêm mưa gió sấm chớp dữ dội. Các con đường dẫn lên núi được dự đoán sẽ có hiện tượng sạt lở khiến đá tuôn xuống bên dưới gây nguy hiểm cho khách leo núi. Câu hỏi mà trưởng đoàn cần trả lời hôm nay đó là: đoàn sẽ tiếp tục chinh phục đỉnh Phanxipang, ở lại trạm dừng chân thêm một ngày với lương thực có hạn hay quay xuống núi để sớm kết thúc cuộc hành trình?

Đó là câu chuyện khủng hoảng mà đoàn leo núi chúng tôi đã gặp phải trong hành trình chinh phục nóc nhà Đông Dương cách đây mười năm, tại thời điểm ấy, nhóm chúng tôi phải đưa ra câu trả lời nhanh và chính xác, một quyết định không hề dễ dàng. Nhưng giờ đây, khi cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và tiếp theo là cuộc khủng hoảng kinh tế có thể dự báo trước, tôi chợt nhận ra những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt trong cuộc hành trình ấy là khá dễ dàng.

Lãnh đạo trong khủng hoảng, một đề tài thú vị mà các trường Đại Học trên thế giới luôn đưa vào bài giảng trong các môn học về lãnh đạo và chắc chắn việc nghiên cứu về chủ đề này sẽ tiếp tục được minh họa bằng những tình huống thực tế trong tương lai.

Đến thời điểm này, tất cả chúng ta đều xác định đại dịch Covid – 19 là một tình huống khẩn cấp, tuy nhiên, trong quá khứ và cho đến tận bây giờ, việc phân định đây là tình huống khẩn cấp thường nhật hay khủng hoảng vẫn còn là một bài toán gây tranh cãi và đang điều khiển hành vi của các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Các tình huống khẩn cấp thường nhật có tần suất xảy ra tương đối cao nên mặc dù vẫn được xếp ở mức nguy cấp và không tình huống nào xảy ra là giống nhau thì các tổ chức, các nhà lãnh đạo vẫn có thể hình thành được các kế hoạch, tập quán đối phó với chúng dựa trên kinh nghiệm cùng việc đưa những sự việc xảy ra về gần với bối cảnh mà họ cảm thấy quen thuộc nhất.

Nếu xem Covid – 19 là dạng tình huống khẩn cấp thường nhật, các nhà lãnh đạo có thể hình dung đây là một đại dịch cảm cúm xảy ra trên diện rộng, có mức độ nguy hiểm tương tự như Sars, H5N1,… đã từng xảy ra. Như vậy, các nhà lãnh đạo của các quốc gia có thể tham khảo kinh nghiệm của những chuyên gia, nhà khoa học, y bác sĩ,… để có kế hoạch đối phó tốt nhất. Tuy nhiên, điều không may là dịch bệnh Covid – 19 là một tình huống khẩn cấp khủng hoảng nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Không một ai trong các nhà lãnh đạo và chuyên gia có thể đoán biết trước được rủi ro phía trước. Do đó, những kinh nghiệm quý báu được tích lũy trước đó trở nên phản tác dụng, thậm chí còn gây nguy hại cho cộng đồng. Sự bất trắc của khủng hoảng đòi hỏi các nhà lãnh đạo luôn phải biến tấu cách thức ứng phó và như một người đang “dò đá qua sông”, vai trò lãnh đạo trong trường hợp này đòi hỏi tính sáng tạo rất cao.

Nhìn lại hơn 100 ngày đại dịch có thể thấy ở giai đoạn đầu mới bùng phát, các nhà lãnh đạo thế giới nhận diện Covid – 19 là tình huống khẩn cấp thường nhật nên đã sử dụng các kế hoạch sẵn có để ứng phó từ đó dẫn đến một chuỗi những thất bại khiến việc chống dịch bị lây lan trên diện rộng. Sai lầm đầu tiên đó là việc che dấu thông tin ban đầu của Trung Quốc. Khi xem virus này chỉ là một dạng dịch bệnh nguy hiểm ở mức độ thông thường, đất nước này đã xem việc ngăn cản tiếng nói cảnh báo nguy cơ của các y bác sĩ còn quan trọng hơn việc đối phó với dịch bệnh.

Mục tiêu chính trị và quyền lợi của một nhóm các lãnh đạo Trung Quốc đã được đánh giá cao hơn sự nguy hiểm mà Covid – 19 có thể gây ra cho cộng đồng. Động thái này cho thấy ở thời điểm bắt đầu dịch bệnh, lãnh đạo Trung Quốc đã tin rằng họ có thể đối phó với dịch bệnh theo những kinh nghiệm có sẵn ở một đất nước mà chuyện bùng phát các loại virus không phải là quá hiếm hoi.

Chuyện Trung Quốc có che dấu số liệu tử vong và các thông tin cảnh báo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh hay không vẫn còn là một câu hỏi cần được làm rõ trong tương lai. Tuy nhiên, rõ ràng với những thông tin và thái độ sẵn có, sai lầm trong việc xác định tính khẩn cấp của dịch bệnh lại tiếp tục được lặp lại ở Châu Âu và Mỹ. Ý tưởng “miễn dịch cộng đồng” sẽ không hề ngớ ngẩn chút nào nếu Covid – 19 chỉ là một tình huống khẩn cấp thường nhật, thậm chí đây còn là một ý tưởng rất thông minh giúp các nước Châu Âu vượt qua đại dịch mà không phải đánh đổi hiệu quả nền kinh tế quá nhiều.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh đại dịch này thực sự là một tình huống khủng hoảng và các nhà lãnh đạo Châu Âu đã từ bỏ kế hoạch “miễn dịch cộng đồng” sau khi phải trả giá đắt bằng số lượng lây nhiễm và tử vong tăng cao ngoài tầm kiểm soát.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump, một lần nữa lặp lại sai lầm này khi đánh giá quá thấp hiểm họa của Covid-19. Bản thân ông trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 3 đã xác nhận điều đó thông qua câu nói “ Tôi chỉ xem Covid-19 là một thứ gì đó khiến cả thế giới ngạc nhiên”. Và chính vì nhận dạng sai thách thức mà mình phải đối mặt, tổng thống Mỹ đã hạ thấp mối đe dọa của đại dịch khiến công tác chuẩn bị và ứng phó của đất nước này trở nên lỏng lẻo và sơ sài. Đến thời điểm hiện nay, kế hoạch nới lỏng lệnh cách li vào dịp Lễ Phục sinh và mở cửa nền kinh tế trở lại của Mỹ đã phải khép lại khi đỉnh dịch của quốc gia này chưa thể xác định.

Hiểu được bản chất của một thách thức khủng hoảng như Covid – 19 sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khoan dung hơn với các lãnh đạo trên thế giới, tất nhiên là ngoại trừ trường hợp họ xem trọng lợi ích cá nhân và có động cơ coi thường sự an nguy của cộng đồng để trục lợi từ dịch bệnh. Hãy thử đặt chúng ta vào vị trí của một nhà lãnh đạo đang cân nhắc đưa ra chính sách ứng phó với khủng hoảng, họ phải chịu đựng áp lực rất lớn vì rủi ro luôn chực chờ và thời gian cho mỗi quyết định rất eo hẹp. Điểm khó khăn nhất khi phải đối phó với tình huống khẩn cấp khủng hoảng đó là việc không biết trước điều gì sẽ xảy ra ở phía trước, mọi kịch bản và dự báo đều có thể hoàn toàn sai lầm và như vậy, các nhà lãnh đạo rất có thể sẽ phải làm điều ngược lại với những gì mà họ đã tuyên bố trước đó.

Việt Nam được đánh giá là đã có động thái ứng phó với dịch bệnh khá ổn định, ít nhất là đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, với một dạng thách thức khủng hoảng như Covid-19 thì tất cả những điều bất ngờ khó lường vẫn còn nằm ở phía trước. Các chính sách đối diện với tình huống này rất cần tính linh hoạt và sáng tạo nhằm giúp đất nước vượt qua được đoạn đường hẹp. Trong bất cứ tình huống nào, vai trò lãnh đạo khủng hoảng là rất quan trọng và cần được sự ủng hộ, cảm thông từ phía cộng đồng. Đây không phải là thời điểm phù hợp để những sai lầm được mổ xẻ hay lên án mà là lúc rất cần tính đoàn kết của cộng đồng để đối diện với thực tế mà chúng ta cần vượt qua.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất