Alomuabannhadat - Theo công ty bất động sản toàn cầu Knight Frank, giá nhà ở đô thị trên toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2007.
Cụ thể, trong số 150 thành phố được công ty bất động sản này theo dõi, có tới 43 thành phố ghi nhận chỉ số về giá nhà ở tăng hơn 10% trong năm qua.
Tuy nhiên, tình trạng hiện tại không phải là sự bùng nổ thị trường nhà đất trên toàn cầu. Có tới 22 thành phố vẫn chứng kiến giá nhà đất giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bao gồm một vài thị trường lớn ở Ấn Độ, Tây Ban Nha, Ý và Israel.
Giá nhà đất tại một số thị trường lớn ở châu Á như Hong Kong hay Bắc Kinh dù vẫn tăng trưởng ở mức 2,2% và 3,6%, nhưng con số này không bằng so với năm 2018, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Dù vậy, một số phân khúc tầm cao ở hai thành phố này đang có mức phát triển ổn định.
Các chuyên gia kinh tế của Knight Frank cho biết giá nhà đất tăng cao có thể dẫn đến một đợt bùng nổ trên thị trường bất động sản với quy mô lớn. Tất cả hàng hóa, cổ phiếu hay giá cả đều tăng lên, trái ngược với những gì từng xảy ra vào năm 2008.
Tuy nhiên, hiện các ngân hàng đã thắt chặt các quy định cho vay, khoản nợ của người dân cũng giảm xuống, các biện pháp kích thích của chính phủ nhiều nước cũng giúp cải thiện tỷ lệ thất nghiệp.
Knight Frank dự đoán tỷ lệ lãi suất sẽ không tăng quá cao trong thời gian tới, sau khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ cam kết sẽ giữ mức lãi suất thấp cho tới năm 2023.
Chính phủ các nước cũng thể hiện sự quan tâm chặt chẽ hơn. Những nhà chức trách ở New Zealand, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ireland đều đã thực hiện các bước để kiềm chế lạm phát giá trong nửa đầu năm 2021.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc giá nhà đất tăng có lẽ đến từ việc thiếu hụt nguồn cung. Đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động xây dựng chậm trễ hoặc bị hoãn lại, qua đó khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm nghiêm trọng.
Knight Frank cho biết ba yếu tố có thể đẩy giá cao hơn trong ngắn hạn và trung hạn.
Thứ nhất là FOMO (Hội chứng sợ bỏ lỡ). Với việc các biên giới đóng cửa, những nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn tới các cơ hội trong nước. Thứ hai, một số người muốn tận dụng tối đa mức lãi suất thế chấp thấp trước khí nó tăng lên. Cuối cùng, đại dịch giúp nhiều người có thêm những khoản tiết kiệm bởi hạn chế chi tiêu, qua đó đủ khả năng để mua những căn nhà thứ hai.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy một số thị trường đang bắt đầu hạ nhiệt. Tại Canada, các cơ quan chức năng báo cáo rằng doanh số bán nhà đất đã giảm liên tiếp trong vòng hai tháng.
Trong khi đó, Capital Economics, một cơ quan kinh tế của Anh báo cáo rằng số lượng đơn đăng ký vay thế chấp để mua nhà tại Mỹ đã giảm bớt, cho thấy tác động mà dịch bệnh gây ra đang giảm dần.
theo CafeLand