Thời gian qua, một số công trình có quy mô lớn, công trình trọng điểm được hoàn thành đã giúp giải quyết đáng kể những hạn chế, khó khăn về hạ tầng và mở ra cơ hội, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, một số dự án còn chậm và vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư các dự án.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc tại các dự án lớn, trọng điểm là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bắc Giang nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư, nhà đầu tư các dự án xác định rõ việc triển khai thực hiện các dự án lớn, công trình trọng điểm là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, địa phương, trong đó trách nhiệm chính thuộc về các chủ đầu tư, nhà đầu tư. Do đó, các cơ quan, đơn vị phải chủ động, tích cực, tăng cường phối hợp và tập trung ưu tiên tối đa nguồn lực rút ngắn thời gian thực hiện, giải quyết các nội dung, nhiệm vụ, công việc liên quan (rút ngắn tối thiểu 1/3 thời gian theo quy định của pháp luật) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Cơ quan, đơn vị trình cơ quan chủ trì thẩm định và cơ quan tham gia ý kiến phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các nội dung liên quan. Việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ, giải trình làm rõ phải thực hiện đồng thời trong quá trình xem xét hồ sơ (không chờ đến khi có kết quả kiểm tra, thẩm định mới bắt đầu sửa đổi, bổ sung).
Những trường hợp nội dung phức tạp hoặc liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị thì cơ quan chủ trì thẩm định tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp để thống nhất các nội dung liên quan, rút ngắn thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, khi có khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị phải chủ động báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết kịp thời.
Đối với Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu: Sở Xây dựng và các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực trực tiếp thẩm định, xem xét xử lý các công việc liên quan đến các dự án lớn, trọng điểm để rút ngắn thời gian thực hiện; xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý công trình chuyên ngành trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực ngành quản lý (nhất là quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện); chủ động phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư, nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đối với các dự án trong quá trình triển khai thi công, định kỳ 01 lần/tháng chủ trì tổ chức kiểm tra thực tế để chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, thiếu sót và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, các sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện đúng chuyên môn, tập trung gỡ vướng và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm.
Các chủ đầu tư, nhà đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc triển khai thực hiện các dự án. Xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện dự án từ bước triển khai lập chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện cho từng giai đoạn cụ thể, trong đó phải làm rõ các công việc phải thực hiện, phân công rõ trách nhiệm, gắn với thời hạn hoàn thành.
Cùng đó, tăng cường công tác quản lý chất lượng ngay trong quá trình thực hiện (bao gồm cả công tác tư vấn và thi công), không để tình trạng sản phẩm hoàn thành không đảm bảo chất lượng phải sửa chữa hoặc làm lại ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Kịp thời thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh, quyết toán, giải ngân vốn đầu tư đảm bảo chặt chẽ, theo đúng quy định.
theo CafeLand