Sóc Trăng không chỉ có những bước tiến ở mảng kinh tế biển, công nghiệp logictics mà còn phát triển mạnh hạ tầng giao thông, từ đó tạo tiền đề đưa Sóc Trăng chuyển mình trong thời gian tới.
Sóc Trăng đón dòng vốn dịch chuyển
Theo báo cáo từ VCCI Cần Thơ thì Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng có kết quả điều hành tốt khi có 5 tỉnh trong vùng lọt Top 10 chỉ số PCI, 6 tỉnh xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, toàn vùng đã đóng góp đến 20% GDP cho cả nước; hơn 9.500 doanh nghiệp mới được thành lập trong năm 2018 đã tạo nên một bức tranh kinh tế đầy kỳ vọng cho “vùng đất chín rồng”.
Sóc Trăng với bản sắc văn hóa độc đáo và vị trí kết nối nhiều tỉnh thành được đánh giá là vùng kinh tế đầy triển vọng trong thời gian tới.
Mặt khác, theo các chuyên gia bất động sản (BĐS), thị trường lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã không còn vị thế độc tôn mà đã dịch chuyển về vùng ven đăc biệt là các khu vực vệ tinh đón đầu hạ tầng. Nếu Cần Thơ được xem là thủ phủ của vùng Tây Nam bộ với sức nóng nổi bật trong vài năm trở lại đây thì An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang đặc biệt là Sóc Trăng cũng có sức nóng không hề kém cạnh, khi từ cuối năm 2018 nhiều dự án bất động sản đón đầu quy hoạch hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ thu hút dòng vốn trong và ngoài nước đổ về. Đơn cử như khu đô thị Mekong Center, Khu đô thị phức hợp FLC Heritage, Vincom Shophouse Sóc Trăng… Đặc biệt nghệ sĩ Quyền Linh đã quyết định đầu tư khu du lịch Giếng Tiên quy mô 200 tỷ tại địa phương này vào đầu năm 2020.
Hạ tầng được đầu tư đồng bộ
Xét về khía cạnh đường bộ, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành mục tiêu đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp III, cấp IV đồng bằng. Các dự án tuyến ngoại thành “kích cầu” kinh tế nổi bật gồm: nâng cấp tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ TP Sóc Trăng đi huyện Châu Thành; đầu tư hệ thống cầu giao thông trên tuyến Quốc lộ 61B, mở rộng, nâng cấp tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp.
Đặc biệt là tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng quy mô 4 làn xe với tổng vốn đầu tư 68,980 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này có điểm đầu kết nối cửa khẩu Tịnh Biên (thuộc xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, An Giang), điểm cuối tuyến giao với quốc lộ Nam Sông Hậu (thuộc xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng). Cùng với đó, dự án cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2, bắc qua Cù Lao Dung, nối liền Sóc Trăng với Trà Vinh tăng mạnh khả năng liên kết vùng.
Hoàn thành cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, đòn bẩy giúp bất động sản Sóc Trăng bứt phá.
Xét về khía cạnh kinh tế biển, tỉnh Sóc Trăng có tiềm năng phát triển lớn. Hiện tại, tỉnh đang triển khai bến cảng phục vụ tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo; Bến cá Mỏ Ó; cảng Trung tâm Nhiệt điện Long Phú; bổ sung quy hoạch tuyến vận tải Trần Đề - Côn Đảo và cảng hàng hóa 2.000 tấn; kêu gọi đầu tư cảng Đại Ngãi, cảng Cái Côn; lập thủ tục bổ sung cảng nước sâu ngoài khơi khu vực Trần Đề vào Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trần Đề với quy mô 1.200 tỷ đồng tại ấp Ngan Rô 1, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Bất động sản Sóc Trăng “chuyển mình”
Là một trong những “vệ tinh” sáng giá của Cần Thơ, Sóc Trăng đang bước vào giai đoạn “nở rộ” khi không chỉ kinh tế biển, nông nghiệp, mà công nghiệp cũng phát triển vượt bậc. Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng có 5 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.106ha gồm: KCN An Nghiệp, KCN Trần Đề, KCN Đại Ngãi, KCN Sông Hậu và KCN Mỹ Thanh. Về cụm công nghiệp (CCN), tỉnh đã phê duyệt thành lập 9 CCN với tổng diện tích trên 410ha, trong đó đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết được 6 CCN tại: Ngã Năm, Vĩnh Châu, Thạnh Phú, Ấp Nhì, Xây Đá B và An Thạnh.
Các KCN và CCN này được quy hoạch ở vị trí thuận lợi về giao thông, thu hút lực lượng lao động ở địa phương dồi dào cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư, là những điều kiện tốt cho các nhà đầu tư đến Sóc Trăng.
Trước bối cảnh ấy, bất động sản Sóc Trăng trên đà tăng giá nhờ vào sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ hạ tầng giao thông và các cụm khu công nghiệp.
Sóc Trăng thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn.
Sở hữu yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Sóc Trăng còn được biết đến như một địa danh du lịch nổi tiếng tại miền Tây với nền văn hóa lâu đời, được xem như một điểm nhấn độc đáo trên bức tranh tổng thể muôn màu.
Hưởng ứng làn sóng mạnh mẽ đó, từ năm 2019, Sóc Trăng đã ghi nhận sự “chào sân” của hàng loạt chủ đầu tư uy tín như: Tập đoàn Youngone (Hàn Quốc), Vingroup, FLC, Tập đoàn TATA (Ấn Độ), Tập đoàn Việt Úc… và chắc chắn trong thời gian tới Sóc Trăng sẽ còn thu hút mạnh đầu tư. Qua đó, nhà đầu tư bất động sản hoàn toàn có cơ sở để tin chọn Sóc Trăng là điểm đến "dịch chuyển" dòng vốn trong thời gian tới.