Alomuabannhadat - Hơn một nửa số doanh nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam và Ấn Độ có kế hoạch mở rộng các hoạt động trong thời gian tới. Đây là dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng của các doanh nghiệp khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mới đây, kết quả cuộc khảo sát được Pasona Group, một công ty nhân sự của Nhật Bản thực hiện đã chỉ ra rằng khoảng 57% các công ty Nhật Bản tại Việt Nam và 55% tại Ấn Độ cho biết họ sẽ mở rộng hoạt động tại các nước sở tại. Con số này cao hơn mức trung bình 39% của tất cả 11 quốc gia và các vùng lãnh thổ được khảo sát.
Hồng Kông là quốc gia đứng ở vị trí thấp nhất với tỷ lệ 13% do môi trường thương mại xấu đi sau khi Trung Quốc sa thải các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ và đàn áp các nhà chính trị khác tại đây, theo khảo sát.
Trong số 818 công ty được thăm dò ý kiến, 67% cho biết họ có kế hoạch giữ nguyên năng suất hoạt động hiện tại của các cơ sở ở 11 nền kinh tế khác nhau. Trong khi đó, 20% cho biết họ có kế hoạch bổ sung và mở rộng các chức năng của các trụ sở tại nhiều khu vực. Lý do chính dẫn đến điều này là vì đại dịch Covid-19 khiến việc đi lại giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn, vì vậy, sự bổ sung này là điều mà các chuyên gia ghi nhận là hợp lý.
Ngoài Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp của Nhật Bản đều thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự tại những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, với những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như Thái Lan hay Malaysia, tỷ lệ cắt giảm nhân sự của các doanh nghiệp Nhật Bản lần lượt là 30% và 28%. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình là 16%.
Xu hướng làm việc từ xa ngày càng phổ biến, cùng với đó là việc giá bất động sản tăng cao cũng đã khuyến khích các công ty cắt giảm quy mô văn phòng làm việc. Ít nhất 15% các doanh nghiệp tại Hồng Kông, Singapore và Indonesia đã thực hiện chính sách đó trong thời gian qua.
Về chiến dịch giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, 43% số doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng Việt Nam sẽ là điểm đến phù hợp và tiềm năng trong thời gian tới.
Bên cạnh cơ hội và khả năng mở rộng hoạt động, các doanh nghiệp cũng đánh giá mức độ rủi ro của các yếu tố trong năm 2021. Theo đó, 70% các nhà lãnh đạo tin rằng việc thiếu sự giao tiếp khi làm việc từ xa là yếu tố gây trở ngại nhiều nhất. Ngoài ra, hiệu suất làm việc của nhân viên cũng là một điều đáng lưu ý khác.
Các quốc gia được Pasona thực hiện khảo sát bao gồm Canada, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và Ấn Độ.
theo CafeLand