Dân giao đất “bờ xôi ruộng mật”, gần 15 năm không nhận được đền bù

Khi dự án triển khai, chính quyền lại cho rằng hiện không còn quy định bồi thường bằng đất, người dân bị thu hồi đất chỉ nhận được tiền mặt...

Dân giao đất “bờ xôi ruộng mật”, gần 15 năm không nhận được đền bù

Khu công nghiệp Vân Trung. (Ảnh chụp tháng 9/2020)

Hơn chục năm trước, người dân thôn Vân Cốc 3 (xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đồng ý giao đất để chính quyền thực hiện Dự án Khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ và sân golf với niềm tin sẽ được đền bù đất dịch vụ theo quyết định của tỉnh để có kế sinh nhai. Tuy nhiên, đến khi dự án được triển khai, chính quyền lại cho rằng hiện không còn quy định bồi thường bằng đất.

Mỏi mòn chờ đất dịch vụ

Những ngày cuối tháng 8/2020, tiếp xúc với PV Báo Giao thông, hàng chục hộ dân ở thôn Vân Cốc 3 bày tỏ bức xúc khi những tâm tư, nguyện vọng của mình chưa được giải quyết thoả đáng trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án Khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ và sân golf Vân Trung (gọi tắt là Dự án Vân Trung).

Các hộ dân cho biết, năm 2006, UBND tỉnh Bắc Giang có chủ trương triển khai dự án trên. Để có mặt bằng, UBND tỉnh có chủ trương thu hồi phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở thôn Vân Cốc 3. Tháng 8/2007, UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định số 71 về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng Dự án Vân Trung.

Quyết định nêu rõ: “Khi thu hồi từ 1.250m2 đất nông nghiệp trở lên giao ổn định lâu dài thì hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất được giao 72m2 để ở và kinh doanh dịch vụ, theo quy hoạch phân lô của dự án. Nếu hộ nào bị thu hồi diện tích đất không đủ thì sẽ được cộng dồn với các hộ khác để đạt 1.250m2 đất, từ đó các hộ cộng dồn này sẽ được hưởng diện tích 72m2 đất dịch vụ”.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, phải đến năm 2016, Dự án Vân Trung mới được triển khai và bắt đầu đền bù cho người dân bị thu hồi đất. Trong quá trình nhận tiền đền bù, người dân bị thu hồi đất chỉ nhận được tiền mặt là 78 triệu đồng/sào ruộng (360m2) mà không được nhận bất kỳ diện tích đất dịch vụ nào như Quyết định số 71 đề cập.

Đứng trước sự việc đó, từ năm 2016, một số hộ dân thôn Vân Cốc 3 đã có nhiều văn bản, đơn thư gửi các cấp chính quyền giải đáp những thắc mắc nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. “Chúng tôi yêu cầu chính quyền làm rõ diện tích GPMB là bao nhiêu, từ đó quy ra số mét vuông đất dịch vụ, đất giãn dân người dân được đền bù theo quy định của UBND tỉnh. Dân đã giao toàn đất “bờ xôi ruộng mật” cho dự án, giờ dự án không hoàn lại đất dịch vụ để dân kinh doanh, buôn bán, thì dân lấy gì làm kế sinh nhai?”, ông Nguyễn Văn Biên (xã Vân Trung) thắc mắc.

Không còn chính sách bồi thường bằng đất?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết, thời điểm đó (năm 2007) người dân Vân Cốc 3 đòi hỏi phải bồi thường bằng tiền, không đồng ý triển khai đất dịch vụ và dân cũng không đồng thuận với dự án nên chưa tính được phương án bồi thường đất. Rồi dự án phải đến năm 2016 mới khởi động lại nhưng lúc này quy định đã khác.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) khẳng định, phương án hỗ trợ cho người dân thôn Vân Cốc 3 đã được phê duyệt từ năm 2007, nên không có lý gì để không giải quyết cho người dân về đất dịch vụ như đã quy định tại phương án phê duyệt năm 2007.

“Luật Đất đai 2013 được ban hành đã bỏ quy định hỗ trợ đất dịch vụ, chỉ còn quy định bồi thường đất thu hồi bằng tiền. Năm 2015, UBND tỉnh tiếp tục triển khai lại dự án và đã thông báo đến nhân dân chính sách mới này. Đó là lý do người dân thôn Vân Cốc 3 không còn được hỗ trợ đất dịch vụ mà thay vào đó là đền bù hoàn toàn bằng tiền 78 triệu đồng/sào”, ông Phương khẳng định.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ luật pháp, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, những đòi hỏi của người dân thôn Vân Cốc 3 là hoàn toàn chính đáng. Bởi trong Luật Đất đai 2013 quy định nếu phương án đền bù, hỗ trợ được lập sau khi Luật này ra đời thì sẽ không áp dụng Luật Đất đai 2013.

“Cụ thể, theo quy định tại Khoản 6, Điều 210, Luật Đất đai 2013, đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định của luật này. “Trường hợp những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng theo quy định của luật này”, luật sư Bình phân tích.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất