Phú Quốc vẫn chưa thật sự yên bình như thời điểm trước khi đất đai lên cơn “sốt”.
Tình hình tại đảo vẫn còn “nóng”, nhất là khi hàng loạt chuyện cũ vẫn còn ngổn ngang, giờ chính quyền, ban ngành chức năng của huyện phải giải trình với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương lẫn địa phương về những vấn đề liên quan đến đất đai.
Chuyện “cò đất” hay các nhà đầu tư “lướt sóng” - mua đi bán lại đất mà PV Báo CAND ghi nhận được giống như chợ chồm hổm tự phát, dễ tụ tập nhưng cũng dễ tan biến. Còn nhiều vấn đề âm ỉ liên quan đến sự buông lỏng, non kém của chính quyền mới là vấn đề đáng lưu ý, bởi hậu quả không thể khắc phục một sớm, một chiều…
Một trong những chuyện “nóng” về đất đai tại Phú Quốc mà đoàn Thanh tra Chính phủ đang tập trung làm rõ vẫn là chuyện phân lô, bán nền. Phú Quốc từng có nhiều khoảnh đất nông nghiệp sau một đêm sáng dậy đã trở thành dự án.
Ông Châu Thanh Hãn, một người dân chính gốc Phú Quốc (nhà tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) kể, khoảng 5-7 năm về trước, dân Phú Quốc ít khi bán đất lẻ theo công (1.000m2) bởi ngại mất thời gian tới lui làm các thủ tục, trong đó có tách thửa, sang tên cho người mua. “Họ có bán là 5-7 công, thậm chí 1-2 hecta.
Giá đất tăng và qua 2 lần sốt, cũng như giao đất cho các dự án, giờ ít người dân nào còn giữ được nhiều đất nữa. Giữ làm sao được khi dân lướt sóng, các cò cứ ghé nhà, gọi điện thoại hỏi thăm nhu cầu bán đất ngày cả chục đoàn, vài chục lần... Nói chung là đất trên đảo hiện đã được mua đi, bán lại rất nhiều lần”, ông Hãn cho biết.
Đất khu vực Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương đã được tự phân lô. Ảnh: Hoàng Hà
Ông Nguyễn Văn Hai, nhà ở xã Cửa Cạn (nơi có thị trường đất khá sôi động do có nhiều dự án của các tập đoàn tên tuổi như: VinGroup, Sasco, May thêu Lan Anh) cho biết thêm, khi đất ngày càng khan hiếm, giá nhảy từng giờ, người ta bắt đầu nghĩ ra trò phân lô, bán nền, tự trở thành “nhà quy hoạch” để quy hoạch đất mình hoặc lân cận mình thành khu dân cư.
Tất nhiên đã tự quy hoạch thì họ không cần biết đất nơi đó đã được nhà nước quy hoạch làm gì, không cần xin xỏ ai về chủ trương, thẩm định dự án… Tôi được xem một bản vẽ mà các “nhà quy hoạch nhân dân” tự thực hiện trên đất nông nghiệp, thoạt nhìn cũng chẳng khác gì các bản đồ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại các dự án này, hầu hết nền có diện tích nhỏ nhất là 100m2, lớn hơn là 200, một số nền lên đến 500m2, giá thì… tùy vị trí, vài ba tỷ thậm chí cả chục tỷ là chuyện thường.
Hôm chúng tôi cùng một đồng nghiệp theo con đường đất đi vào ấp 3, phát hiện tấm biển được cắm cạnh bìa rừng ghi tên Công ty Donasea Villas, kèm theo lời chào mời: “Nơi lợi nhuận không dừng lại; Siêu phẩm cam kết lợi nhuận từ 20% đến 100% năm”.
Tiếc rằng số điện thoại ghi trên đó chúng tôi chẳng thể liên lạc được. Khi ghé qua UBND xã để hỏi về các dự án trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã – ông Phan Hoàng Tuấn thú thật “xã không kiểm soát được” việc tổ chức, cá nhân từ các nơi về đây mua bán đất rồi phân lô, bán nền, làm dự án khu dân cư.
Theo lời ông Tuấn, do không có thẩm quyền nên giờ cũng chỉ phối hợp để rà soát lại để báo cáo lên cấp trên. “Hiện trên địa bàn có khoảng 20 khu phân lô, bán nền tập trung chủ yếu ở ấp 2 và 3”, vị lãnh đạo này cho biết. Không chỉ xã Cửa Cạn, các xã Cửa Dương, Dương Tơ, Bãi Thơm, Hàm Ninh... việc phân lô, bán nền có lúc trở thành “phong trào” khá rầm rộ gần đây.
Tôi hỏi một “nhà đầu tư” đến từ TP Hồ Chí Minh, anh này giải thích thêm, một khi giá đất ngày càng cao, nguồn cung khan hiếm thì người ta lại nghĩ ra cách “chặt nhỏ” ra để bán. Đây cũng là cách phân khúc thị trường “đánh” vào những “nhà đầu tư” có vốn vừa phải.
Hỏi thăm một nhân viên tiếp thị tại Khu dân cao cấp P.T House (trên đường Dương Đông - Cửa Cạn), tưởng chúng tôi là “nhà đầu tư” thật, họ chào giá một nền dao động từ 2,2-2,7 tỷ đồng lô đất rộng khoảng 100m2. Khi thắc mắc sao đất nông nghiệp mà đắt đến như vậy, thì tôi được trả lời: “Chính đất nông nghiệp mới có giá… bèo như vậy đó!”.
Chính vì đất nền được tự phân lô trên đất nông nghiệp bán “đắt như tôm tươi” như thế nên giá đất nông nghiệp cứ tăng vùn vụt, ngoài cả sự hình dung của các chủ đất cố cựu tại đảo. Một người dân từng có đất tại đường vào Bến Tràm, xã Cửa Dương cho biết, năm ngoái, một công đất nông nghiệp như của ông chỉ khoảng 3 tỷ đồng.
“Vậy mà mua xong, chủ đất mới đã phân lô rồi bán một nền 200m2 thôi, đã gỡ huề vốn, diện tích còn lại là lợi nhuận”, ông K. nói và cho biết cách họ tự quy hoạch thành khu dân cư khá đơn giản: “Ngoài mặt tiền thì đường do nhà nước đầu tư có sẵn. Chủ đất chỉ việc xẻ con đường độ 2 mét, cắt đôi lô đất rồi chia từng lô nhỏ để bán. Tiếng là khu dân cư chứ có điện, nước, cống rãnh gì đâu. Nên nếu ai có nhu cầu mua đất để ở thật sự, không tìm hiểu kỹ, ôm nợ như chơi”.
Đất lên giá vù vù và cao ngất ngưỡng nên vụ việc liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện và tố giác nhau cũng đang “nóng” từng ngày. Hôm đến Phú Quốc, chúng tôi được nghe câu chuyện của hơn chục hộ dân tố giác một nhóm người, có sự tiếp tay của cán bộ để lấy hơn 70ha đất tại ấp cây Thông Trong, xã Cửa Dương để phân lô, bán, thu lợi tiền tỷ. Chủ tịch UBND xã nói “vụ việc này cũng khá phức tạp, đang trong quá trình xác minh, làm rõ”. Ngành chức năng của tỉnh cho biết đã tiếp nhận vụ việc này và hướng dẫn người dân làm thủ tục khiếu kiện ra tòa.
Tại ấp 2, xã Cửa Cạn, người dân cũng bàn tán về việc lô đất rộng trên 4.140m2 từng là đất rừng thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý (sau đó đã giao lại cho địa phương quản lý) “bỗng dưng” thuộc chủ quyền của một cá nhân (ông N.Đ.C) và cuối tháng 1-2018 rồi, lô đất này đã được tách thửa và sang nhượng với giá 5 tỷ đồng/công.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc, năm 2017, đơn vị chức năng đã phát hiện 52 vụ phá, lấn chiếm gần 30ha đất rừng. Cơ quan chức năng đã khởi tố một vụ, di dời 661 trụ rào bê tông, 2.139m kẽm gai và hàng trăm ngàn cây trồng các loại. Tình trạng mua bán trái phép đất rừng trục lợi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Có một thực tế khiến tình hình ANTT tại Phú Quốc có dấu hiệu phức tạp, đó là do chính quyền không khẩn trương trong chỉ đạo thực hiện những bản án đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến tranh chấp đất đai trong nhân dân. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đinh Khoa Toàn bị kỷ luật (hình thức khiển trách).
“Ông Toàn bị kỷ luật là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến đất đai như công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai theo thẩm quyền đạt kết quả chưa cao, đơn khiếu nại tồn đọng nhiều, hồ sơ giải quyết trễ hẹn và tỷ lệ sai cao. Công tác quản lý lĩnh vực xây dựng còn hạn chế, vi phạm; tình trạng xây dựng không phép, trái phép diễn ra khá phức tạp, có chiều hướng ngày càng tăng nhưng ông Toàn chưa kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền nắm bắt tình hình, gây mất ANTT trên địa bàn”, một lãnh đạo huyện cho biết thêm.
Điều đáng ngại là khi không tin vào hiệu quả, sự khẩn trương của chính quyền, đã có không ít người dân chuyển sang nhờ các băng nhóm đối tượng bên ngoài ra tay can thiệp giải quyết chuyện tranh chấp đất, càng khiến tình hình trở nên phức tạp.
Thượng tá Trần Văn Dũng, Phó trưởng Công an huyện Phú Quốc cho biết, đầu năm 2018, Công an huyện đã triển khai kế hoạch huy động lực lượng trấn áp đối tượng sử dụng băng nhóm bảo kê trong bao chiếm tranh chấp đất và các vụ việc phức tạp khác trên địa bàn huyện. Công an đã giải quyết 13 vụ tranh chấp đất có đối tượng phức tạp tham gia, mời 138 đối tượng về làm việc.
Qua đó, Công an huyện lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 5 đối tượng, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 13 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ cá nhân răn đe, giáo dục, buộc cam kết 119 đối tượng. Trong số 138 đối tượng bảo kê bao chiếm đất có 23 đối tượng có tiền án, 66 đối tượng từ các địa phương khác đến.
|
theo CafeLand